Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Thanh tra Bộ Nông nghiệp: 67% mẫu nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng, nhưng không có nghĩa là độc hại

Người Việt dùng 200 triệu lít nước mắm mỗi năm, nhưng chưa có đầy đủ quy chuẩn để quy định nước mắm thế nào được gọi là an toàn. Ngay cả với kết quả của cuộc khảo sát mới đây công bố 67% mẫu nước mắm có lượng thạch tín vượt ngưỡng, thì việc vượt ngưỡng này có độc hại hay không thì không ai khẳng định được.

Theo Tổng cục Thống kê, người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, nước chấm không thể thiếu trên bàn ăn người Việt trong mỗi bữa ăn có thực sự an toàn?

Một khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy: Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen ( thạch tín ) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: “Cần có những nghiên cứu để đánh giá xem mức Arsen vượt ngưỡng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không”.

* Hơn 67% mẫu nước mắm có lượng Arsen vượt ngưỡng nhiều lần theo kết quả khảo sát của Vinastas khiến người dùng rất hoang mang. Ý kiến của ông về hàm lượng Arsen trong khảo sát này thế nào?

Arsen phát hiện ở đây không phải là Arsen vô cơ mà là Arsen hữu cơ, tức tự thân trong động vật (cá) đã sản sinh ra Arsen này. Việc hàm lượng Arsen hữu cơ vượt ngưỡng thế này cần có những nghiên cứu để đánh giá xem liệu chuyện vượt ngưỡng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không.

Trong khảo sát này, tôi cũng chưa thấy nói lên việc các độc chất được đưa vào trong nước mắm, mà mới đánh giá về chất lượng nước mắm (độ đạm) mà thôi.

* Arsen như ông nói là Arsen tự sinh. Vậy đã có nghiên cứu nào khẳng định Arsen như thế này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Các nghiên cứu này thuộc trách nhiệm của bên y tế cũng như Hiệp hội Đánh bắt Thủy sản. Cần có thời gian nghiên cứu tài liệu để có được công bố chính thức.

Khảo sát có nói đến việc lượng Arsen vượt ngưỡng rất cao, nhưng Arsen này có phải do người sản xuất cho vào, hay Arsen hữu cơ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe người tiêu dùng… thì cần có đánh giá và ý kiến của các bên liên quan.

Về lâu dài, tôi cho rằng cần có sự nghiên cứu sâu về vấn đề này vì đây là món ăn không thể thiếu của người Việt.

* Thưa ông, hiện nay đã có tiêu chuẩn nào để biết nước mắm thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn hay chưa?

Hiện chưa có công bố nào nói nước mắm nào là không an toàn. Hiện chỉ có vấn đề là nhà sản xuất phải công bố công khai và minh bạch các thành phần có trong nước mắm, hoặc nước chấm. Nhưng các quy định thì hiện đang chưa rõ ràng.

* Nhưng chúng ta đã có Quy chuẩn Việt Nam...

Đã có Quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn ngành, nhưng hiện vẫn đang thiếu. Chúng tôi nghĩ để quản lý tốt mặt hàng nước mắm thì cần phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý tốt việc sản xuất và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

* Với kết quả công bố 67% mẫu nước mắm có hàm lượng Arsen vượt ngưỡng thì sao?

Đây là kết quả của cuộc khảo sát, chưa phải kết quả kiểm định, giám định để làm cơ sở trong việc xử lý hay không xử lý.

Chúng tôi nghĩ đây là một kênh tin tức quan trọng và chúng tôi cho rằng báo chí cần tuyên truyền để bà con hiểu được chất lượng của nước mắm và Nhà nước thấy cần kiểm tra ra sao, để tránh việc nhà sản xuất công bố một đằng mà hàm lượng lại thấp hơn để đánh lừa người tiêu dùng.

* Xin cảm ơn ông!

Câu chuyện chất lượng nước mắm được rộ lên ban đầu vào ngày 10/10 từ báo chí với việc phản ánh tình trạng sản xuất nước mắm công nghiệp từ nước và hóa chất. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường.

Ngày 11/10, một doanh nghiệp sản xuất nước mắm có thị phần lớn đã gửi công văn kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước, đề xuất việc thanh tra toàn diện mặt hàng này, trong đó chú trọng đến việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng (nhất là Arsen trong nước mắm) và công khai kết quả sau đó để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Trao đổi về lượng Arsen hữu cơ trong nước mắm, bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản, cho biết bản chất nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, Arsen hữu cơ gần như vô hại.

Theo Bảo Bảo

Infonet

Đọc tiếp »

Báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra nước mắm trước ngày 22-10

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết trước 22-10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 18-10, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết trước 22-10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm .

Ông Phong cho biết từ 12-10, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP HCM, sắp tới sẽ mở rộng tới một số địa phương khác có truyền thống sản xuất nước mắm như Phú Quốc (Kiên Giang)... Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.

Ông Phong khẳng định ở Việt Nam không có khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên, nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố. "Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-10"- ông Phong nói.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, cung cấp 2 triệu lít/năm. Tuy nhiên theo ông Phong, tất cả nguyên liệu đầu vào hiện đang do Bộ NN-PTNT kiểm soát.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho biết thêm đã giao lực lượng thanh tra các địa phương rà soát và lấy mẫu nước mắm làm cơ sở cho việc thanh tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như mặt hàng nước mắm trên toàn quốc vào năm 2017. Đây là đợt thanh tra lớn nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm nước mắm sau những lo ngại của dư luận đối với chất lượng của mặt hàng này.

Trước đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Phía VINATAS cho biết kết quả thu về sau khi đã khảo sát 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/l đến 60g/l của 88 nhãn hiệu nước mắm được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản. Thông báo của VINATAS cho thấy có 67% số nước mắm lấy mẫu thử không đạt chỉ tiêu về arsen tổng theo quy định của Bộ Y Tế. Tuy nhiên, Hiệp hội lại từ chối công bố danh tính của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm có hàm lượng arsen vượt mức cho phép. Theo lãnh đạo Hiệp hội này mục đích của khảo sát lần này là thông tin cho người tiêu dùng biết về thực trạng của nước mắm, còn Hiệp hội không có trách nhiệm công bố tên sản phẩm.

Theo D.Thu

Người lao động

Đọc tiếp »

Tạm ngừng nhâp khẩu lạc từ Hồng Kông và Sudan

60 ngày trở đi kể từ ngày 17-10, Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu lạc từ thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và Sudan.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT: Từ tháng 3 đến ngày 7-10-2016, 44 container lạc, tổng khối lượng là hơn 784 tấn nhập khẩu từ Sudan và 87 container lạc với hơn 1.600 tấn lạc nhập khẩu từ Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng bị phát hiện nhiễm mọtTrogoderma granarium Everts và Caryedon serratus Oliveier còn sống.

Đây là hai loài mọt cực kỳ nguy hiểm thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và chưa có trên lãnh thổ nước ta.

Hai loài mọt này gây hại trên nhiều loại nông sản, đặc biệt là loài mọt cứng đốt Trogoderma granarium Everts nằm trong danh mục 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Chúng gây hại trên nhiều loại nông sản như ngũ cốc (gạo, lúa mỳ, yến mạch, lúa mạch…), sản phẩm ngũ cốc (bột ngô, bột mỳ, khô đậu tượng…), hạt có dầu, thảo dược, gia vị, vải, len dạ, giấy, rau, cao su,… Cả trưởng thành và sâu non đều tấn công gây hại nông sản. Loài mọt này có thể gây tổn thất lớn về kinh tế do chúng trực tiếp gây ra đối với nông sản cũng như gây mất thị trường xuất khẩu đối với các nông sản của Việt Nam nếu để chúng xâm nhập vào trong nước..

Theo thông lệ quốc tế và quy định về kiểm dịch thực vật của Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đã nhiều lần gửi thông báo không tuân thủ cho cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia Sudan và Hồng Kông, tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện.

Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã ban hành các quyết định 4215/QĐ-BNN-BVTV và 4216/QĐ-BNN-BVTV ngày 17-10 về việc tạm ngừng nhập khẩu lạc từ Sudan và Hồng Kông. Quyết định này có hiệu lực sau 60 ngày kể từ 17-10.

Theo Thanh Nguyễn

Báo hải quan

Đọc tiếp »

Giá cá tra tăng cao - người nuôi vẫn không thể vui

Giá cá tra tăng cao nhưng lượng cá trong dân còn ít, nông dân không còn cá để bán do đã phải chịu bán lỗ từ nhiều tháng trước.

Giá cá tra tại khu vực ĐBSCL đang tăng cao nhất trong năm. Hiện mức giá cao nhất mà doanh nghiệp đưa ra là 22.500 đồng/kg. Như vậy, so với hồi tháng 9, giá cá tra nguyên liệu thuộc các kích cỡ khác nhau đều đã tăng khá, với mức tăng khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cá tra tăng cao nhưng lượng cá trong dân còn ít, nông dân không còn cá để bán do đã phải chịu bán lỗ từ nhiều tháng trước.

Giá cá tra khu vực miền Tây tăng mạnh trở lại lý do là do nguồn cung bị giảm sút lớn. Bởi nhiều tháng trước đó, giá cá tra nguyên liệu tại các ao nuôi luôn ở mức thấp, nhiều người nuôi bị thua lỗ, phải bán tháo, bán đổ. Còn hiện nay, với mức hiện tại trên 22.500 đồng/kg, giá cá đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay, nhưng nhiều người dân nuôi cá ở An Giang kém vui.

Số liệu từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, giá cá tra dao động từ 18.800-21.600 đồng/kg, đa phần người dân không đảm bảo lợi nhuận. Như vậy, với giá hiện nay vào khoảng 22.500 đồng/kg là giá cao nhất từ đầu năm đến nay.

Nhưng theo ông Lê Văn Đẹp, người dân nuôi cá ở tỉnh An Giang, chỉ khi nguồn cung khan hiếm thì doanh nghiệp chế biến mới đổ xô đi thu mua trong dân. Còn ông Nguyễn Hữu Nguyên, người nuôi cá ở huyện Châu Phú cho rằng, giá cá tăng do thị trường xuất khẩu tăng là có cơ sở do nhu cầu nhập khẩu cá tra phục vụ cho Giáng Sinh, năm mới.

Tuy nhiên, cũng như “nỗi đau” mà người nuôi liên tục từng phải chịu đựng. Đó là chiêu trò của các nhà máy khi thấy khan hiếm nguyên liệu thì đẩy giá cá lên. Do vậy, khi người dân thấy lợi đổ xô đi vay tiền nuôi vụ mới thì ngay sau đó giá cá lại xuống thấp do phải nắm đằng lưỡi, không thể không bán cho doanh nghiệp.

“Người nuôi cá có bán được cũng rất khó khăn vì không được nhận tiền ngay. Trong khi từ đầu năm tới nay, người nuôi đã quá lỗ nên không dám đầu tư cho nghề nuôi cá. Vì thế, hậu quả trước nhất là người nuôi nhưng các doanh nghiệp cũng không mua được cá nguyên liệu trong dân”, ông Nguyên chia sẻ.

Một vấn đề khác cũng cần phải cảnh báo trong thời điểm giá cá tăng cao như hiện nay, đó là cá tra nguyên liệu loại lớn hiện được doanh nghiệp, hệ thống chân rết của các doanh nghiệp tìm mua nhiều. Một số doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu cá tra cho rằng, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh; thị trường này ăn cá loại lớn là chủ yếu nên nhu cầu cá quá lứa tăng mạnh. Tuy nhiên, rất nhiều lô hàng xuất theo đường tiểu ngạch.

Ông Phạm Phúc Toại, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu thủy sản Cadovimex II tại Đồng Tháp cho rằng, gần như các đơn vị nhỏ xuất cá theo đường tiểu ngạch nên có những nhà máy đi mua cá không cần kiểm tra kháng sinh.

Dưới tác động từ giá mua của các nhà nhập khẩu, việc thu mua cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến ở ĐBSCL đang sôi động. Tuy nhiên, người nuôi cá vẫn đang trong trạng thái lo âu, nghi ngờ bởi chẳng biết tận hưởng niềm vui này được bao lâu./.

Theo Thanh Tùng

VOV

Đọc tiếp »

Giá dầu tăng nhờ kỳ vọng trữ lượng dầu thô Mỹ giảm

Giá dầu tăng khi đồng USD mất đà và thị trường kỳ vọng OPEC cắt giảm sản lượng, bất chấp trữ lượng dầu thô Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp.

Giá dầu thô Mỹ giao tháng 11 tăng 35 cent lên 50,29USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange.

Giá dầu Brent giao tháng 11 tăng 19 cent lên 52,09USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe.

Trữ lượng dầu thô Mỹ có thể tăng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào 14/10, theo khảo sát của Reuters. Tuần trước đó, trữ luận tăng 4,9 triệu thùng. Số liệu chính thức từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư.

Giá dầu tăng 13% so với ba tuần trước sau khi OPEC đề xuất thỏa thuận cắt giảm hoặc đóng băng sản lượng trong tám năm để đương đầu với tình trạng thừa cung dầu toàn cầu.

Tuy nhiên từ đó đến nay, giá kẹt tại mốc 50USD khi xuất hiện lo ngại OPEC sẽ đạt được thỏa thuận làm hài lòng 14 thành viên.

Hầu hết các thành viên trong Khối cần giá vàng tăng để trang trải nền kinh tế sau khi giá dầu giảm từ 100USD xuống mức gần 26USD/thùng.

Chuyên gia tại Vitol nhận định một nửa số thành viên OPEC thực sự cần giá dầu tăng, do đó Khối sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó, mặc dù có thể không đủ tốt để tái cân bằng cung cầu trong ngắn hạn.

Một số quốc gia như Iran không muốn cắt sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 của nước này mấp mé đỉnh cao năm năm là 2,56 triệu thùng/ngày.

Kim ngạch của Arab Saudi giảm xuống 7,305 triệu thùng từ 7,622 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.

Chuyên gia tại Bernstein Energy cho biết trữ lượng dầu thô sẽ tăng 17 triệu thùng lên 5,618 tỷ USD trong quý III, mức tăng nhỏ nhất trong vòng một năm.

Trong khi đó, ngân hàng Citi Bank chỉ ra trữ lượng tại Mỹ, Nhật Bản, Singapore và châu Âu đã giảm 35,9 triệu thùng.

Theo Thảo Mai

BizLIVE

Đọc tiếp »

Mưa nhiều, giá rau quả tăng vọt

Những ngày qua, thời tiết xấu, mưa nhiều nên giá các loại rau quả tươi sống tại TP HCM đồng loạt tăng giá, đặc biệt là nhóm các loại rau ăn lá.

Đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối nông sản Bình Điền xác nhận sản lượng rau quả về chợ gần đây không giảm nhiều nhưng giá tăng trung bình từ 15%-20%. Nguyên nhân là do mưa nhiều ở các vùng trồng rau khiến chất lượng hàng giảm sút, tỉ lệ loại bỏ cao. “Đây là đặc tính của mặt hàng rau quả tươi sống, giá cả phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và thông thường giá cả sẽ hết sốt sau từ 3-5 ngày thời tiết tốt trở lại” - ông này cho biết.

Theo ghi nhận tại chợ sỉ, một số loại biến động mạnh như: xà lách búp 40.000 đồng/kg (gấp đôi so với tháng trước); cải xanh, cải ngọt: 20.000-22.000 đồng/kg (tháng trước 8.000-12.000 đồng/kg); cà chua 18.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg,... nên giá chợ lẻ cũng cao hơn từ 20%-50% so với trước.

Do giá cả thị trường tự do biến động mạnh, một số HTX nông nghiệp tại TP HCM cho biết thời điểm hiện nay, người tiêu dùng mua rau quả tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ rẻ hơn chợ truyền thống do giá bán ổn định từ trước.

Theo Ng. Ánh

Người lao động

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Giá lúa vẫn đà giảm

Hiện, tại các tỉnh ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng, lúa Hè -Thu đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Do ảnh hưởng hạn mặn nên năng suất lúa bình quân chỉ đạt hơn 4,5 tấn/ha, giảm gần 1 tấn/ha so với vụ trước.

Tuy nhiên, giá lúa lại sụt giảm mạnh. Cách đây 1 tuần khi có thông tin Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) mời thầu cung cấp gạo cho nước này với giá lúa IR 50404 từ 4.400 - 4.500 đồng/kg lúa tươi, lúa hạt dài thơm nhẹ từ 5.000 - 5.100 đồng/kg, còn lúa hạt dài thường tiếp tục giảm còn 4.700 - 4.800 đồng/kg, với mức giá này nông dân có thể lấy công làm lời. Thế nhưng, sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trúng thầu 150.000 tấn gạo thì giá lúa sụt giảm liên tục.

Theo V.Ly

Đại đoàn kết

Đọc tiếp »

Thu giữ gần 1 tấn trái cây Trung Quốc và nửa tấn nội tạng "bẩn"

Chiều 14/9, lực lượng quản lý thị trường số 6, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã phát hiện, thu giữ gần một tấn trái cây Trung Quốc nhập lậu tuồn vào chợ hoa quả đầu mối chợ Đồng Xoài

Cụ thể, qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh trái cây tại lô 3, chợ Đồng Xoài do bà Lê Thị Hằng làm chủ và cửa hàng kinh doanh trái cây Thức (địa chỉ số 43, Võ Văn Tần, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) do bà Nguyễn Thị Vân làm chủ, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều thùng hàng trái cây bên ngoài đều ghi chữ Trung Quốc, trong đó có một số thùng ghi bằng tiếng Thái Lan. Tổng trọng lượng số trái cây nói trên là 935 kg.

Theo ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, các chủ cửa hàng không cung cấp được giấy tờ chứng từ, hóa đơn nhập khẩu của số hàng hóa trên.

Các thùng hàng hóa cũng không có tem nhãn đầy đủ chứng minh nguồn gốc xuất xứ theo quy định của hàng hóa nhập khẩu.

Toàn bộ số hàng hóa nói trên đã được lực lượng quản lý thị trường thị xã Đồng Xoài tạm thu giữ.

Qua kiểm đếm thực tế, gần 20 thùng trái cây các loại bị thu giữ, chủ yếu là táo, nho, lê, lựu, hồng giòn, đào... đều xuất xứ từ Trung Quốc; 10 thùng trái cây là măng cụt, bên ngoài nhãn hiệu ghi bằng tiếng Thái Lan.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 chủ cửa hàng nói trên, đồng thời tịch thu và đề nghị tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nói trên theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trưa 13/9, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an thành phố Bắc Ninh và Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện xe ôtô tải mang biển kiểm soát 89C-039.34 có nhiều biểu hiện nghi vấn liên quan đến chở hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra và phát hiện trên xe chở hơn nửa tấn nội tạng, không có hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Lái xe được xác định là Nguyễn Thành Tuân sinh năm 1987, trú tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Tại cơ quan công an, Tuân khai nhận số hàng trên được Tuân chở thuê cho một chủ hàng khác.

Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định trên xe có 250 kg mỡ lợn, 400 kg lòng lợn đang bốc mùi hôi thối. Toàn bộ số hàng trên đã được cơ quan chức năng tịch thu và tiêu hủy ngay trong chiều 13/9, đồng thời xử lý vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Theo Vietnam+

Đọc tiếp »

Giá dầu mất 2% vì số liệu trữ lượng sản phẩm dầu tăng đột ngột

Giá dầu giảm 2% trong phiên thứ Tư khi số liệu kinh tế cho thấy trữ lượng sản phẩm dầu thô của Mỹ tăng mạnh, bù đắp vào lượng dầu thô lưu kho giảm.

Giá dầu thô Mỹ giao tháng 10 giảm 93USD, tương ứng 2,1%, xuống 43,97USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange.

Giá dầu Brent giao tháng 11 giảm 92 cent, tương đương 2%, xuống 47,18USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe.

Số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho thấy trữ lượng dầu thô giảm 559.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/9, trái ngược với dự đoán tăng 3,8 triệu thùng của các chuyên gia.

Tuy nhiên, trữ lượng các sản phẩm chưng cất, bao gồm cả dầu diesel và dầu đốt, tăng 4,6 triệu thùng, vượt dự đoán tăng 1,5 triệu thùng của nhà phân tích.

Thông tin này tác động mạnh đến tâm lý thị trường, đảo chiều tăng của giá dầu thô.

Trữ lượng xăng tăng 567.000 thùng, so với ước tính tăng 343.000 thùng.

Giá dầu tăng sau báo cáo. Trước đó, trữ lượng trong tuần trước giảm đột ngột 14,5 triệu thùng, mạnh nhất kể từ năm 1999, vì cơn bão Hermine làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu đến Vịnh Mexico.

Ngân hàng Commerzbank đánh giá việc thị trường chưa lấy lại được cân bằng phần lớn do sản lượng của thành viên OPEC gia tăng. Nếu khối duy trì sản lượng ở mức của tháng Năm, tình trạng thừa cung đã bị triệt tiêu, thay vì đóng băng sản lượng ở mức của tháng Chín.

Theo kế hoạch, OPEC sẽ họp nhóm với các nước phi thành viên, dẫn đầu bởi Nga, vào ngày 26-28/9 tới tại Algeria để bàn về thỏa thuận đóng băng sản lượng. Ít người cho rằng hai bên sẽ đạt thỏa thuận.

Theo Thảo Mai

BizLIVE

Đọc tiếp »

Tạm ngừng đăng ký nếu chưa từng xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu cá bộ Siluriformes (chủ yếu là cá tra, cá ba sa...) vào Hoa Kỳ tạm ngừng việc đăng ký vào danh sách được phép xuất khẩu.

Theo Nafiqad, mới đây, Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã có văn bản gửi Nafiqad thông báo một số quy định liên quan tới việc xuất khẩu cá bộ Siluriformes vào Hoa Kỳ.

Cụ thể, trong thời gian chuyển tiếp, FSIS chỉ chấp thuận bổ sung các doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách các cơ sở chế biến cá bộ Silurifomes được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong trường hợp doanh nghiệp này đã từng xuất khẩu cá bộ Silurifomes vào thị trường này.

Đối với doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu, FSIS sẽ chỉ xem xét đưa vào danh sách sau khi hoàn thành đánh giá tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam đối với cá bộ Siluriformes.

Vì vậy, thời gian này Nafiqad đề nghị các doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu cá bộ Siluriformes vào Hoa Kỳ tạm ngừng việc đăng ký vào danh sách được phép xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho biết thêm: Trong thời gian chuyển tiếp, các cơ sở tham gia vào hoạt động sơ chế, chế biến cá bộ Siluriformes để xuất khẩu vào Hoa kỳ (từ khâu cắt tiết, phi lê, cấp đông, bao gói) đều phải có tên trong danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ được đăng tải trên website của FSIS.

Nafiqad đã có văn bản đề nghị FSIS không áp dụng quy định này và chỉ bắt buộc các cơ sở có thực hiện hoạt động chế biến cuối cùng trước khi xuất khẩu phải có tên trong danh sách của FSIS, còn đối với các doanh nghiệp sơ chế, cung cấp bán thành phẩm phải được Nafiqad kiểm tra, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong thời gian chờ trả lời chính thức từ FSIS, Nafiqad đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes vào Hoa Kỳ lưu ý chỉ thu mua bán thành phẩm cá bộ Siluriformes được sản xuất tại các cơ sở đã có tên trong danh sách của FSIS và được đăng tải trên website của FSIS.

Liên quan tới việc ghi nhãn cá bộ Siluriformes xuất khẩu vào Hoa Kỳ, theo ông Tiệp, mã số của cơ sở thực hiện hoạt động chế biến cuối cùng trước khi xuất khẩu phải được ghi trên chứng thư, bao bì bao gói trực tiếp và bao bì chứa/ đựng.

Trong thời gian chuyển tiếp, FSIS chưa bắt buộc phải áp dụng quy định nêu trên, song FSIS đề nghị Nafiqad cần thông báo ngay tới các doanh nghiệp để thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, tên của các doanh nghiệp làm chủ hàng hoặc cơ sở gia công, sơ chế bán thành phẩm có thể được ghi trên bao bì bao gói trực tiếp của sản phẩm, tuy nhiên không được ghi mã số trên bao bì bao gói trực tiếp. Vì vậy, Nafiqad đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định liên quan của FSIS đã được Nafiqad hướng dẫn để lưu ý thực hiện.

Cập nhật mới nhất đến đầu tháng 6-2016, Việt Nam có 57 cơ sở được phép xuất khẩu cá họ Siluriformes vào Hoa Kỳ.

Trước đó, theo Đạo Luật Farm Bill 2014 Hoa Kỳ, từ tháng 3-2016, cá da trơn thuộc bộ Siluriformes dù nuôi nội địa hay nhập khẩu đều sẽ chuyển việc kiểm soát từ FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ) sang FSIS.

Như vậy, cá tra (kể cá ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt, mà theo FSIS, chỉ được nhập khẩu vào nếu chứng minh có sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Hoa Kỳ.

Thời gian hiệu lực của đạo luật này là từ tháng 3-2016. Thời gian chuyển tiếp là 18 tháng (1-3-2016 đến 31-8-2017) nên đến tháng 9-2017 mới chính thức áp dụng triệt để các quy định của FSIS.

Theo Thanh Nguyễn

Báo hải quan

Đọc tiếp »

Loại bỏ hơn 300 nhãn hiệu thuốc bảo vệ thực vật

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết trong năm nay sẽ loại bỏ hai hoạt chất là Carbendazim và Paraquat ra khỏi danh mục được phép lưu hành. Liên quan tới hai hoạt chất này có tới hơn 300 nhãn hiệu cũng sẽ dừng lưu hành.

Tính đến nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng là 1.173 hoạt chất với gần 4.100 nhãn hiệu thương mại. Số lượng này quá nhiều gây khó cho bà con nông dân lựa chọn. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang tiến hành rà soát và loại bỏ nhiều nhãn hiệu thương mại và hoạt chất bảo vệ thực vật ra khỏi danh mục.

Con số gần 4.100 nhãn hiệu thương mại đồng nghĩa là với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng có rất nhiều loại thuốc khác nhau, nhiều khi hàm lượng cũng chỉ chênh nhau một chút hoặcđược cho thêm một chất gì đó vào và đặt một tên khác. Có trường hợp thuốc bị xuống cấp lại đổi tên.

Carbendazim là một hoạt chất dùng để diệt nấm trên nhiều loại nông sản nhưng việc sử dụng chất này đang gây ảnh hưởng tới hình ảnh nông sản Việt Nam. Tiêu Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng đã nhiều lần bị cảnh báo vì có dư lượng chất này. Hay như mật ong cũng khốn đốn vì hoạt chất Carbendazim khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU…

Ngoài Carbendazim, hoạt chất trừ cỏ Paraquat cũng sẽ bị loại bỏ trong danh mục hoạt chất được sử dụng trong nông nghiệp. Dù không thể phủ nhận tác dụng của chất Paraquat như việc giảm sức lao động của nông dân, tăng năng suất cây trồng nhưng chất này đang ảnh hưởng tới môi trường đất, nước.

Không chỉ hai hoạt chất trên, theo ông Hoàng Trung, đơn vị này đang tiến hành rà soát toàn bộ lượng thuốc BVTV nhập khẩu trong 5 năm gần đây và thực trạng sử dụng các loại thuốc BVTV trên địa bàn từng tỉnh.

Theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, từ ngày 1/8/2020, một hàm lượng hoạt chất chỉ cho phép một dạng nhãn hiệu thương mại. Do đó, sẽ có khoảng 600-700 nhãn hiệu thương mại nữa bị loại bỏ ra khỏi thị trường.

“Ngoài ra chúng tôi sẽ thành lập hội đồng khoa học để đánh giá lại những loại thuốc nào gây bệnh cho người như ung thư, rối loạn chức năng sinh sản, ảnh hưởng tới môi trường, làm ảnh hưởng tới hình ảnh nông sản Việt Nam… sau đó sẽ trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNTxem xét loại bỏ”, ông Trung nói.

Theo Đỗ Hương

Chinhphu.vn

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Chính phủ bãi bỏ Thông tư 98 của Bộ Tài chính, đưa thuế nhập khẩu mặt hàng Artemia về 0%

Chính phủ vừa Ban hành Nghị định 122 quy định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, đưa thuế nhập khẩu mặt hàng thức ăn dành cho tôm trứng Artemia từ 3% về 0%.

Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 98/2016/TT-BTC ngày 29.6.2016 điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu trứng Artemia từ 5% xuống 3%, các doanh nghiệp và một số hiệp hội phản ánh về những bất hợp lý như: Nhập Artemia nghiền ra thành bột thì được hưởng thuế 0%, còn trứng Artemia nhập về để nghiền ra đều làm thức ăn cho tôm thì lại tính 5%, trong khi ở Mỹ chỉ có một mã số cho Artemia với tên gọi là sản phẩm dùng cho tôm.

Tiếp theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp, Hiệp hội Tôm Bình Thuận, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản gửi đơn “cầu cứu” lên các cơ quan chức năng, cho rằng nếu áp dụng Thông tư 98 của Bộ Tài Chính, truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia thì các doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Việc áp thuế Artemia 5% là đi chặn một cái vô cùng nhỏ, nhưng ảnh hưởng hiệu ứng nhập khẩu. Artemia nhập về tổng giá trị có đáng kể gì, mà lấy 5% không có ý nghĩa gì cả, trong khi sản lượng người ta xuất khẩu đến 3-4 tỉ USD, mà lại rất cần chuỗi ban đầu để tạo ra được giống chất lượng. Phải giải thích để người ta hiểu. Nếu Bộ Tài chính không thống nhất được thì tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ”- Bộ trưởng Cường nói.

Trước ý kiến của Bộ NNPTNT và các doanh nghiệp, Chính phủ đã bãi bỏ quy định Thông tư 98 của Bộ Tài chính, đưa thuế nhập khẩu mặt hàng Artemia về 0%. Quy định này được áp dụng từ 1.9.2016.

Theo KH.V

Lao động

Đọc tiếp »

Thuế tăng, ô tô cũ nhập khẩu đắt hơn cả ô tô mới

Với cách tính thuế mới, các mẫu ô tô đã qua sử dụng nhập cảng về Việt Nam sẽ phải chịu mức giá thậm chí còn đắt hơn cả những chiếc ô tô mua mới.

Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Trong đó, Nghị định mới của Chính phủ quy định thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng.

Theo đó, xe ô tô cũ chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi- lanh dưới 1.500cc (thuộc nhóm hàng 87.03) và xe ô tô chở người từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) (thuộc nhóm hàng 87.02) áp dụng mức thuế tuyệt đối.

Các dòng xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi-lanh từ 1.500 cc trở lên (thuộc nhóm hàng 87.03) áp dụng mức thuế hỗn hợp; Xe ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên (kể cả lái xe) (thuộc nhóm hàng 87.02) và xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải không quá 5 tấn, thuộc nhóm hàng 87.04 (trừ xe đông lạnh, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe xi téc, xe bọc thép để chở hàng hóa có giá trị; xe chở xi măng kiểu bồn và xe chở bùn có thùng rời nâng hạ được) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.

Các loại xe ô tô khác áp dụng mức thuế suất bằng 1,5 lần so với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô mới cùng chủng loại.

Theo đó, trong biểu thuế kèm theo Nghị định mới ban hành, mức thuế tuyệt đối dành cho các dòng ô tô đã qua sử dụng dưới 1.000cc được ấn định là 5.000 USD/chiếc còn đối với các dòng dung tích từ 1000 – 1500 cc sẽ là 10.000 USD trên mỗi chiếc xe được đưa về Việt Nam.

Trong khi đó, mức thuế hỗn hợp dành cho các mẫu xe ô tô chở 9 người trở xuống có dung tích xi-lanh từ 1.500cc đến dưới 2.500cc sẽ được tính bằng: Giá tính thuế xe ô tô đã qua sử dụng nhân với mức thuế suất của dòng xe ô tô mới cùng loại và cộng thêm 5000 USD cho mỗi chiếc được nhập cảng.

Còn đối với các dòng ô tô nhập khẩu có dung tích trên 2500 cc dược tính là giá tính thuế xe ô tô đã qua sử dụng nhân với mức thuế suất của dòng xe ô tô mới cùng loại và phải cộng thêm tới 15.000 USD mỗi chiếc.

Nghị định mới của Chính phủ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9 vừa qua và bãi bỏ 2 quyết định của Thủ tướng chính phủ, 9 thông tư của Bộ Tài chính đã ban hành trước ngày 1/9/2016.

Nghị định mới cũng đã thống nhất cách tính thuế nhập khẩu đối với các dòng ô tô đã qua sử dụng được nhập khẩu về Việt Nam kể từ Quyết định số 36/2011/QĐ-TTg (năm 2011) của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành mức thuế nhập khẩu xe ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống đã qua sử dụng (đã được sửa đổi bởi Quyết định số 24/2013/QĐ-TTg ngày 03/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Như vậy, với cách tính thuế nhập khẩu này, các dòng xe cũ được nhập khẩu vào thị trường Việt có thể sẽ có giá cao hơn nhiều các dòng ô tô mới. Đặc biệt là các dòng xe sử dụng động cơ dung tích lớn khi vừa phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu tương đương với các dòng xe mới cùng loại và phải cộng thêm vào 15.000 USD cho mỗi chiếc trên 2500cc và 17.000 USD với các xe dung tích trên 3.000cc. Đó là chưa kể, sau khi về thị trường Việt Nam, các dòng xe này sẽ phải chịu thêm mức thuế giá trị gia tăng ( tính bằng Giá tính thuế x Thuế suất) và đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt mới đánh theo dung tích xe có hiệu lực từ 1/7 vừa qua.

Theo Hoàng Nam

ICT news

Đọc tiếp »

600 tấn cá đông lạnh tồn kho không được kiểm định

Việc chậm trễ kiểm định chất lượng khiến nhiều cơ sở trữ cá đông lạnh khó tiêu thụ dẫn đến số lượng tồn đọng rất lớn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn kho 600 tấn hải sản đông lạnh chưa tiêu thụ được. Trong đó cơ sở kho đông lạnh Tám Thế và cơ sở đông lạnh Chính Thủy ở cảng cá Thừa Thiên-Huế đóng tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang còn tồn đọng 600 tấn cá nục, cá sòng và mực.

Số hải sản này đang được cấp đông tại 5 kho ở cảng cá. Trung bình mỗi tháng cơ sở phải chi trả khoảng 40 triệu đồng tiền điện để bảo quản tại các kho đông lạnh này. Chủ các cơ sở thu mua hải sản đề nghị chính quyền địa phương tiến hành kiểm nghiệm chất lượng, nếu an toàn thì cho tiêu thụ.

Ông Trần Văn Châu, chủ cơ sở kho đông lạnh Tám Thế ở cảng cá Thừa Thiên-Huế cho biết, sau sự cố môi trường biển, cơ sở có mua tổng cộng gần 550 tấn chủ yếu là cá nục, cá bánh lái, sau đó tiêu thụ gần 100 tấn còn lại 450 tấn hiện đang tồn đọng.

Chủ cơ sở đề nghị cơ quan chức năng cần tiến hành xét nghiệm số cá này để giải quyết tồn đọng, tháo gỡ khó khăn về vốn.

“Vừa rồi cũng có chính sách Nhà nước hỗ trợ tiền lãi nhưng cơ sở muốn nhà nước hỗ trợ một phần về giá để giảm giá thành cá tồn đọng giúp cá dễ tiêu thụ hơn”, ông Thám Thế mong muốn./.

Theo Lê Hiếu

VOV

Đọc tiếp »

Ngành mía đường: Nỗi lo niên vụ mới

Còn hơn một tháng nữa là vào niên vụ mía đường 2016-2017. Đặc điểm của vụ mía đường năm nay là sản lượng đường thế giới và trong nước đều sụt giảm do khô hạn nghiêm trọng và xâm nhập mặn ở nhiều nơi nên bước vào niên vụ mới, giá mía nguyên liệu, giá đường đều tăng.

Đối mặt với nhiều thách thức

Bà Vũ Thị Huyền Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: Sản lượng mía ép niên vụ 2016-2017 dự kiến hơn 15 triệu tấn, sản lượng đạt trên 1,4 triệu tấn đường trong đó đường tinh luyện đạt trên 50%. Cả nước hiện có khoảng 240.000 ha mía có hợp đồng sản xuất bao tiêu với nông dân đạt năng suất bình quân trên 65 tấn/ha.

Tại vùng ĐBSCL, năm nay, nước lũ vẫn chưa về nên bà con vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), Sóc Trăng bình tĩnh thu hoạch, không lo chạy lũ như mọi năm. Cả nước hiện có 40 nhà máy đường (NMĐ) với tổng công suất theo thiết kế là 155.300 tấn mía/ngày. Một số nhà máy đường lên kế họach sản xuất cao hơn niên vụ mía đường 2015-2016.

Hiện, vùng ĐBSCL có hơn 40.000 ha mía nguyên liệu vào giai đoạn chín. Đến tháng 10-2016 nông dân các địa phương sẽ lần lượt thu hoạch. Do giá đường nội địa có giá tốt hơn cùng kỳ năm 2015 nên giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân có khả năng tăng, nông dân hy vọng có lãi. Các NMĐ cho biết sẽ tăng giá mua mía từ 930 đến1.000 đồng/kg mía 10 CCS (chữ đường), cao hơn khoảng 100 - 200 đồng/kg so đầu vụ sản xuất 2015-2016.

Điểm mới năm nay là đa số các NMĐ đã thực hiện liên kết với nông dân, xây dựng, hình thành vùng mía nguyên liệu thông qua hình thức hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Tùy theo địa hình và đặc điểm vùng miền khác nhau, các NMĐ hỗ trợ nông dân thay đổi giống mía mới phù hợp thổ nhưỡng, có năng suất, chữ đường cao, có khả năng chống chịu thời tiết bất lợi, sâu bệnh; triển khai thực hiện cánh đồng mía lớn; đầu tư thủy lợi và tưới tiêu...

Tuy vậy, các NMĐ khu vực ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức vì vùng nguyên liệu mía có phần sụt giảm. Toàn vùng còn khoảng 42.250 ha, giảm hơn 3.000 ha so với năm trước. Do giá thành sản xuất cao nên thu nhập của nông dân trồng mía chưa cao...

Hầu hết các nhà máy đường đóng trên địa bàn đều được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, hưởng lãi suất ưu đãi, hỗ trợ qui trình cơ giới hóa sản xuất, thâm canh mía nhờ đó giảm áp lực về vốn. Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã chủ động thực hiện giải pháp liên kết sản xất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập cho nông dân và hiệu quả kinh doanh.

Casuco đầu tư một số giống mía mới chuyển đổi cho bà con nông dân vùng nguyên liệu mía ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… tăng khả năng thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn.

Kiến nghị cơ chế mới

Trước tình hình hội nhập kinh tế thế giới, VSSA đề xuất một số giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng mía như: đầu tư hình thành cánh đồng mía lớn; đề nghị hỗ trợ nông dân cải tạo, đổi giống mía mới năng suất cao, đầu tư hệ thống thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ giới hóa trồng mía, đa dạng hóa sản phẩm sau đường, cạnh đường; đào tạo nguồn nhân lực.

VSSA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với VSSA xây dựng đề án tái cơ cấu ngành mía đường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu trong đó đề xuất nhiều chính sách và cơ chế cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho ngành mía đường hoạt động đúng hướng, phát triển bền vững; quy hoạch mía đường đến 2020 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu để các NMĐ sớm có định hướng kế hoạch đầu tư phát triển; trình Chính phủ cho cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để có giải pháp giảm tác động do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL.

Theo dự thảo quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020, cả nước sẽ hình thành vùng trồng mía nguyên liệu 300.000 ha, trong đó vùng nguyên liệu tập trung 290.000 ha; sản lượng mía 21 triệu tấn, sản lượng đường 2 triệu tấn, định hướng đến năm 2030 giữ ổn định vùng mía nguyên liệu 300.000ha, trong đó vùng nguyên liệu tập trung trên 296.000 ha, năng suất mía bình quân 80 tấn/ha, chữ đường 12 CCS, sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 2,6 triệu tấn.

Theo Lê Quốc Khánh - Tuấn Quang

Đại đoàn kết

Đọc tiếp »

Phát hiện 20 cơ sở làm bánh Trung thu vi phạm vệ sinh thực phẩm

Các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 195 cơ sở sản xuất bánh Trung thu qua đó phát hiện 20 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây là thông tin được cho biết tại buổi làm việc giữa Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh với Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2016 do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương chủ trì, ngày 7/9.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại, cơ quan chức năng thành phố đã xử phạt 7 cơ sở với tổng số tiền là 42,35 triệu đồng, riêng các cơ sở còn lại đang tiến hành xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Theo bà Mai, trong mùa Trung thu năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh thành lập hai đoàn liên ngành, thực hiện kiểm tra thực tế, lấy mẫu bánh Trung thu để kiểm nghiệm... Bên cạnh đó, 24 quận - huyện thuộc thành phố cũng thành lập các đoàn kiểm tra những cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh bánh Trung thu.

Qua công tác kiểm tra, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu lớn đều trang bị máy móc hiện đại, đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, các cơ sở nhỏ và hộ kinh doanh cá thể có mặt bằng nhỏ, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất còn kém, trang thiết bị lạc hậu, kiến thức và ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh các hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố là quy trình sơ chế, chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chứa đựng thực phẩm không đảm bảo an toàn hoặc thực phẩm tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm cũng như chất độc hại.

Đặc biệt, là các vi phạm về không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các đợt kiểm tra.

Trước kết quả kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2016 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, công tác quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và được quan tâm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm mặt hàng bánh Trung thu lưu thông trên địa trường.

Song song đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng đã từng bước được quy hoạch tốt hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ về an toàn thực phẩm trong mùa Trung thu 2016./.

Theo Mỹ Phương

Vietnam+

Đọc tiếp »

11 doanh nghiệp trúng thầu nhập khẩu đường

Trong số 22 doanh nghiệp tham gia đấu giá, có 11 doanh nghiệp đã trúng thầu trong phiên đấu giá giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016.

Sáng 7-9, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016.

Trong đó, chủng loại, số lượng đường bao gồm: Quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 40.000 tấn đường thô (mã HS 1701); quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 45.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 1701).

Với giá khởi điểm được đưa ra đối với đường thô là 1.000.000 đồng/tấn và đường tinh luyện là 1.000.000 đồng/tấn. Bước giá được đưa ra là 10.000 đồng/tấn.

Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến 17h ngày 6-9, có 25 hồ sơ tham gia đấu gia, trong đó có 9 hồ sơ đấu giá đường thô (nhưng 1 hồ sơ xin rút) và đường tinh luyện có 16 hồ sơ của các thương nhân trực tiếp tham gia sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với các quy định, chỉ có 22 hồ sơ hợp lệ, trong đó đường thô có 8 hồ sơ thương nhân hợp lệ và 14 hồ sơ thương nhân hợp lệ đối với đường tinh luyện.

Kết quả của phiên đấu giá này theo công bố của Hội đồng đấu thầu như sau. Đối với đường thô (số lượng 40.000 tấn), có 3 công ty trúng thầu, cụ thể: Công ty CP Đường Biên Hòa số lượng trúng 14.444 tấn; Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh trúng thầu 14.444 tấn. Công ty Đường Khánh Hòa trúng 11.110 tấn.

Đối với mặt hàng đường tinh luyện (số lượng 45.000 tấn), có 8 đơn vị trúng thầu, cụ thể: Công ty TNHH URC Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty TNHH Puratos Grandplace Việt Nam trúng 2.000 tấn.

Ngoài ra, công ty Perfetti Van Melle trúng 6.000 tấn; Công ty Nước giải khát Coca Cola Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty TNHH Nestle Việt Nam trúng 9.000 tấn, Công ty CP Sữa Vinamilk trúng 16.000 tấn; Công ty CP Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam trúng 1.000 tấn và Công ty Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (nhà máy càfe Saafi Gòn) trúng 3.000 tấn.

Như vậy, sau nhiều năm sử dụng phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thì đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương chuyển sang phương thức đấu giá.

Theo Phan Thu

Báo hải quan

Đọc tiếp »

11 doanh nghiệp trúng thầu nhập khẩu đường

Trong số 22 doanh nghiệp tham gia đấu giá, có 11 doanh nghiệp đã trúng thầu trong phiên đấu giá giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016.

Sáng 7-9, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016.

Trong đó, chủng loại, số lượng đường bao gồm: Quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 40.000 tấn đường thô (mã HS 1701); quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 45.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 1701).

Với giá khởi điểm được đưa ra đối với đường thô là 1.000.000 đồng/tấn và đường tinh luyện là 1.000.000 đồng/tấn. Bước giá được đưa ra là 10.000 đồng/tấn.

Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến 17h ngày 6-9, có 25 hồ sơ tham gia đấu gia, trong đó có 9 hồ sơ đấu giá đường thô (nhưng 1 hồ sơ xin rút) và đường tinh luyện có 16 hồ sơ của các thương nhân trực tiếp tham gia sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với các quy định, chỉ có 22 hồ sơ hợp lệ, trong đó đường thô có 8 hồ sơ thương nhân hợp lệ và 14 hồ sơ thương nhân hợp lệ đối với đường tinh luyện.

Kết quả của phiên đấu giá này theo công bố của Hội đồng đấu thầu như sau. Đối với đường thô (số lượng 40.000 tấn), có 3 công ty trúng thầu, cụ thể: Công ty CP Đường Biên Hòa số lượng trúng 14.444 tấn; Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh trúng thầu 14.444 tấn. Công ty Đường Khánh Hòa trúng 11.110 tấn.

Đối với mặt hàng đường tinh luyện (số lượng 45.000 tấn), có 8 đơn vị trúng thầu, cụ thể: Công ty TNHH URC Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty TNHH Puratos Grandplace Việt Nam trúng 2.000 tấn.

Ngoài ra, công ty Perfetti Van Melle trúng 6.000 tấn; Công ty Nước giải khát Coca Cola Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty TNHH Nestle Việt Nam trúng 9.000 tấn, Công ty CP Sữa Vinamilk trúng 16.000 tấn; Công ty CP Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam trúng 1.000 tấn và Công ty Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (nhà máy càfe Saafi Gòn) trúng 3.000 tấn.

Như vậy, sau nhiều năm sử dụng phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thì đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương chuyển sang phương thức đấu giá.

Theo Phan Thu

Báo hải quan

Đọc tiếp »