Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Thanh tra Bộ Nông nghiệp: 67% mẫu nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng, nhưng không có nghĩa là độc hại

Người Việt dùng 200 triệu lít nước mắm mỗi năm, nhưng chưa có đầy đủ quy chuẩn để quy định nước mắm thế nào được gọi là an toàn. Ngay cả với kết quả của cuộc khảo sát mới đây công bố 67% mẫu nước mắm có lượng thạch tín vượt ngưỡng, thì việc vượt ngưỡng này có độc hại hay không thì không ai khẳng định được.

Theo Tổng cục Thống kê, người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, nước chấm không thể thiếu trên bàn ăn người Việt trong mỗi bữa ăn có thực sự an toàn?

Một khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy: Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen ( thạch tín ) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: “Cần có những nghiên cứu để đánh giá xem mức Arsen vượt ngưỡng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không”.

* Hơn 67% mẫu nước mắm có lượng Arsen vượt ngưỡng nhiều lần theo kết quả khảo sát của Vinastas khiến người dùng rất hoang mang. Ý kiến của ông về hàm lượng Arsen trong khảo sát này thế nào?

Arsen phát hiện ở đây không phải là Arsen vô cơ mà là Arsen hữu cơ, tức tự thân trong động vật (cá) đã sản sinh ra Arsen này. Việc hàm lượng Arsen hữu cơ vượt ngưỡng thế này cần có những nghiên cứu để đánh giá xem liệu chuyện vượt ngưỡng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không.

Trong khảo sát này, tôi cũng chưa thấy nói lên việc các độc chất được đưa vào trong nước mắm, mà mới đánh giá về chất lượng nước mắm (độ đạm) mà thôi.

* Arsen như ông nói là Arsen tự sinh. Vậy đã có nghiên cứu nào khẳng định Arsen như thế này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Các nghiên cứu này thuộc trách nhiệm của bên y tế cũng như Hiệp hội Đánh bắt Thủy sản. Cần có thời gian nghiên cứu tài liệu để có được công bố chính thức.

Khảo sát có nói đến việc lượng Arsen vượt ngưỡng rất cao, nhưng Arsen này có phải do người sản xuất cho vào, hay Arsen hữu cơ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe người tiêu dùng… thì cần có đánh giá và ý kiến của các bên liên quan.

Về lâu dài, tôi cho rằng cần có sự nghiên cứu sâu về vấn đề này vì đây là món ăn không thể thiếu của người Việt.

* Thưa ông, hiện nay đã có tiêu chuẩn nào để biết nước mắm thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn hay chưa?

Hiện chưa có công bố nào nói nước mắm nào là không an toàn. Hiện chỉ có vấn đề là nhà sản xuất phải công bố công khai và minh bạch các thành phần có trong nước mắm, hoặc nước chấm. Nhưng các quy định thì hiện đang chưa rõ ràng.

* Nhưng chúng ta đã có Quy chuẩn Việt Nam...

Đã có Quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn ngành, nhưng hiện vẫn đang thiếu. Chúng tôi nghĩ để quản lý tốt mặt hàng nước mắm thì cần phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý tốt việc sản xuất và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

* Với kết quả công bố 67% mẫu nước mắm có hàm lượng Arsen vượt ngưỡng thì sao?

Đây là kết quả của cuộc khảo sát, chưa phải kết quả kiểm định, giám định để làm cơ sở trong việc xử lý hay không xử lý.

Chúng tôi nghĩ đây là một kênh tin tức quan trọng và chúng tôi cho rằng báo chí cần tuyên truyền để bà con hiểu được chất lượng của nước mắm và Nhà nước thấy cần kiểm tra ra sao, để tránh việc nhà sản xuất công bố một đằng mà hàm lượng lại thấp hơn để đánh lừa người tiêu dùng.

* Xin cảm ơn ông!

Câu chuyện chất lượng nước mắm được rộ lên ban đầu vào ngày 10/10 từ báo chí với việc phản ánh tình trạng sản xuất nước mắm công nghiệp từ nước và hóa chất. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường.

Ngày 11/10, một doanh nghiệp sản xuất nước mắm có thị phần lớn đã gửi công văn kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước, đề xuất việc thanh tra toàn diện mặt hàng này, trong đó chú trọng đến việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng (nhất là Arsen trong nước mắm) và công khai kết quả sau đó để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Trao đổi về lượng Arsen hữu cơ trong nước mắm, bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản, cho biết bản chất nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, Arsen hữu cơ gần như vô hại.

Theo Bảo Bảo

Infonet

Đọc tiếp »

Báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra nước mắm trước ngày 22-10

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết trước 22-10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 18-10, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết trước 22-10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm .

Ông Phong cho biết từ 12-10, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP HCM, sắp tới sẽ mở rộng tới một số địa phương khác có truyền thống sản xuất nước mắm như Phú Quốc (Kiên Giang)... Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.

Ông Phong khẳng định ở Việt Nam không có khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên, nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố. "Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-10"- ông Phong nói.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, cung cấp 2 triệu lít/năm. Tuy nhiên theo ông Phong, tất cả nguyên liệu đầu vào hiện đang do Bộ NN-PTNT kiểm soát.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho biết thêm đã giao lực lượng thanh tra các địa phương rà soát và lấy mẫu nước mắm làm cơ sở cho việc thanh tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như mặt hàng nước mắm trên toàn quốc vào năm 2017. Đây là đợt thanh tra lớn nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm nước mắm sau những lo ngại của dư luận đối với chất lượng của mặt hàng này.

Trước đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Phía VINATAS cho biết kết quả thu về sau khi đã khảo sát 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/l đến 60g/l của 88 nhãn hiệu nước mắm được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản. Thông báo của VINATAS cho thấy có 67% số nước mắm lấy mẫu thử không đạt chỉ tiêu về arsen tổng theo quy định của Bộ Y Tế. Tuy nhiên, Hiệp hội lại từ chối công bố danh tính của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm có hàm lượng arsen vượt mức cho phép. Theo lãnh đạo Hiệp hội này mục đích của khảo sát lần này là thông tin cho người tiêu dùng biết về thực trạng của nước mắm, còn Hiệp hội không có trách nhiệm công bố tên sản phẩm.

Theo D.Thu

Người lao động

Đọc tiếp »

Tạm ngừng nhâp khẩu lạc từ Hồng Kông và Sudan

60 ngày trở đi kể từ ngày 17-10, Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu lạc từ thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và Sudan.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT: Từ tháng 3 đến ngày 7-10-2016, 44 container lạc, tổng khối lượng là hơn 784 tấn nhập khẩu từ Sudan và 87 container lạc với hơn 1.600 tấn lạc nhập khẩu từ Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng bị phát hiện nhiễm mọtTrogoderma granarium Everts và Caryedon serratus Oliveier còn sống.

Đây là hai loài mọt cực kỳ nguy hiểm thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và chưa có trên lãnh thổ nước ta.

Hai loài mọt này gây hại trên nhiều loại nông sản, đặc biệt là loài mọt cứng đốt Trogoderma granarium Everts nằm trong danh mục 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Chúng gây hại trên nhiều loại nông sản như ngũ cốc (gạo, lúa mỳ, yến mạch, lúa mạch…), sản phẩm ngũ cốc (bột ngô, bột mỳ, khô đậu tượng…), hạt có dầu, thảo dược, gia vị, vải, len dạ, giấy, rau, cao su,… Cả trưởng thành và sâu non đều tấn công gây hại nông sản. Loài mọt này có thể gây tổn thất lớn về kinh tế do chúng trực tiếp gây ra đối với nông sản cũng như gây mất thị trường xuất khẩu đối với các nông sản của Việt Nam nếu để chúng xâm nhập vào trong nước..

Theo thông lệ quốc tế và quy định về kiểm dịch thực vật của Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đã nhiều lần gửi thông báo không tuân thủ cho cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia Sudan và Hồng Kông, tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện.

Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã ban hành các quyết định 4215/QĐ-BNN-BVTV và 4216/QĐ-BNN-BVTV ngày 17-10 về việc tạm ngừng nhập khẩu lạc từ Sudan và Hồng Kông. Quyết định này có hiệu lực sau 60 ngày kể từ 17-10.

Theo Thanh Nguyễn

Báo hải quan

Đọc tiếp »

Giá cá tra tăng cao - người nuôi vẫn không thể vui

Giá cá tra tăng cao nhưng lượng cá trong dân còn ít, nông dân không còn cá để bán do đã phải chịu bán lỗ từ nhiều tháng trước.

Giá cá tra tại khu vực ĐBSCL đang tăng cao nhất trong năm. Hiện mức giá cao nhất mà doanh nghiệp đưa ra là 22.500 đồng/kg. Như vậy, so với hồi tháng 9, giá cá tra nguyên liệu thuộc các kích cỡ khác nhau đều đã tăng khá, với mức tăng khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cá tra tăng cao nhưng lượng cá trong dân còn ít, nông dân không còn cá để bán do đã phải chịu bán lỗ từ nhiều tháng trước.

Giá cá tra khu vực miền Tây tăng mạnh trở lại lý do là do nguồn cung bị giảm sút lớn. Bởi nhiều tháng trước đó, giá cá tra nguyên liệu tại các ao nuôi luôn ở mức thấp, nhiều người nuôi bị thua lỗ, phải bán tháo, bán đổ. Còn hiện nay, với mức hiện tại trên 22.500 đồng/kg, giá cá đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay, nhưng nhiều người dân nuôi cá ở An Giang kém vui.

Số liệu từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, giá cá tra dao động từ 18.800-21.600 đồng/kg, đa phần người dân không đảm bảo lợi nhuận. Như vậy, với giá hiện nay vào khoảng 22.500 đồng/kg là giá cao nhất từ đầu năm đến nay.

Nhưng theo ông Lê Văn Đẹp, người dân nuôi cá ở tỉnh An Giang, chỉ khi nguồn cung khan hiếm thì doanh nghiệp chế biến mới đổ xô đi thu mua trong dân. Còn ông Nguyễn Hữu Nguyên, người nuôi cá ở huyện Châu Phú cho rằng, giá cá tăng do thị trường xuất khẩu tăng là có cơ sở do nhu cầu nhập khẩu cá tra phục vụ cho Giáng Sinh, năm mới.

Tuy nhiên, cũng như “nỗi đau” mà người nuôi liên tục từng phải chịu đựng. Đó là chiêu trò của các nhà máy khi thấy khan hiếm nguyên liệu thì đẩy giá cá lên. Do vậy, khi người dân thấy lợi đổ xô đi vay tiền nuôi vụ mới thì ngay sau đó giá cá lại xuống thấp do phải nắm đằng lưỡi, không thể không bán cho doanh nghiệp.

“Người nuôi cá có bán được cũng rất khó khăn vì không được nhận tiền ngay. Trong khi từ đầu năm tới nay, người nuôi đã quá lỗ nên không dám đầu tư cho nghề nuôi cá. Vì thế, hậu quả trước nhất là người nuôi nhưng các doanh nghiệp cũng không mua được cá nguyên liệu trong dân”, ông Nguyên chia sẻ.

Một vấn đề khác cũng cần phải cảnh báo trong thời điểm giá cá tăng cao như hiện nay, đó là cá tra nguyên liệu loại lớn hiện được doanh nghiệp, hệ thống chân rết của các doanh nghiệp tìm mua nhiều. Một số doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu cá tra cho rằng, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh; thị trường này ăn cá loại lớn là chủ yếu nên nhu cầu cá quá lứa tăng mạnh. Tuy nhiên, rất nhiều lô hàng xuất theo đường tiểu ngạch.

Ông Phạm Phúc Toại, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu thủy sản Cadovimex II tại Đồng Tháp cho rằng, gần như các đơn vị nhỏ xuất cá theo đường tiểu ngạch nên có những nhà máy đi mua cá không cần kiểm tra kháng sinh.

Dưới tác động từ giá mua của các nhà nhập khẩu, việc thu mua cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến ở ĐBSCL đang sôi động. Tuy nhiên, người nuôi cá vẫn đang trong trạng thái lo âu, nghi ngờ bởi chẳng biết tận hưởng niềm vui này được bao lâu./.

Theo Thanh Tùng

VOV

Đọc tiếp »

Giá dầu tăng nhờ kỳ vọng trữ lượng dầu thô Mỹ giảm

Giá dầu tăng khi đồng USD mất đà và thị trường kỳ vọng OPEC cắt giảm sản lượng, bất chấp trữ lượng dầu thô Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp.

Giá dầu thô Mỹ giao tháng 11 tăng 35 cent lên 50,29USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange.

Giá dầu Brent giao tháng 11 tăng 19 cent lên 52,09USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe.

Trữ lượng dầu thô Mỹ có thể tăng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào 14/10, theo khảo sát của Reuters. Tuần trước đó, trữ luận tăng 4,9 triệu thùng. Số liệu chính thức từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư.

Giá dầu tăng 13% so với ba tuần trước sau khi OPEC đề xuất thỏa thuận cắt giảm hoặc đóng băng sản lượng trong tám năm để đương đầu với tình trạng thừa cung dầu toàn cầu.

Tuy nhiên từ đó đến nay, giá kẹt tại mốc 50USD khi xuất hiện lo ngại OPEC sẽ đạt được thỏa thuận làm hài lòng 14 thành viên.

Hầu hết các thành viên trong Khối cần giá vàng tăng để trang trải nền kinh tế sau khi giá dầu giảm từ 100USD xuống mức gần 26USD/thùng.

Chuyên gia tại Vitol nhận định một nửa số thành viên OPEC thực sự cần giá dầu tăng, do đó Khối sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó, mặc dù có thể không đủ tốt để tái cân bằng cung cầu trong ngắn hạn.

Một số quốc gia như Iran không muốn cắt sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 của nước này mấp mé đỉnh cao năm năm là 2,56 triệu thùng/ngày.

Kim ngạch của Arab Saudi giảm xuống 7,305 triệu thùng từ 7,622 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.

Chuyên gia tại Bernstein Energy cho biết trữ lượng dầu thô sẽ tăng 17 triệu thùng lên 5,618 tỷ USD trong quý III, mức tăng nhỏ nhất trong vòng một năm.

Trong khi đó, ngân hàng Citi Bank chỉ ra trữ lượng tại Mỹ, Nhật Bản, Singapore và châu Âu đã giảm 35,9 triệu thùng.

Theo Thảo Mai

BizLIVE

Đọc tiếp »

Mưa nhiều, giá rau quả tăng vọt

Những ngày qua, thời tiết xấu, mưa nhiều nên giá các loại rau quả tươi sống tại TP HCM đồng loạt tăng giá, đặc biệt là nhóm các loại rau ăn lá.

Đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối nông sản Bình Điền xác nhận sản lượng rau quả về chợ gần đây không giảm nhiều nhưng giá tăng trung bình từ 15%-20%. Nguyên nhân là do mưa nhiều ở các vùng trồng rau khiến chất lượng hàng giảm sút, tỉ lệ loại bỏ cao. “Đây là đặc tính của mặt hàng rau quả tươi sống, giá cả phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và thông thường giá cả sẽ hết sốt sau từ 3-5 ngày thời tiết tốt trở lại” - ông này cho biết.

Theo ghi nhận tại chợ sỉ, một số loại biến động mạnh như: xà lách búp 40.000 đồng/kg (gấp đôi so với tháng trước); cải xanh, cải ngọt: 20.000-22.000 đồng/kg (tháng trước 8.000-12.000 đồng/kg); cà chua 18.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg,... nên giá chợ lẻ cũng cao hơn từ 20%-50% so với trước.

Do giá cả thị trường tự do biến động mạnh, một số HTX nông nghiệp tại TP HCM cho biết thời điểm hiện nay, người tiêu dùng mua rau quả tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ rẻ hơn chợ truyền thống do giá bán ổn định từ trước.

Theo Ng. Ánh

Người lao động

Đọc tiếp »