Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

GrowPLUS+ của NutiFood trở thành sản phẩm bán chạy số 1 Việt Nam

Vừa qua, Công ty Nielsen đã chứng nhận sản phẩm GrowPLUS+ của công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood là sản phẩm đặc trị dành cho trẻ em bán chạy số 1 Việt Nam trong toàn ngành đặc trị.

Ngành đặc trị bao gồm các sản phẩm dành cho trẻ em trong các trường hợp suy dinh dưỡng, thấp còi, biếng ăn, tăng cân khỏe mạnh, tiêu chảy, dị ứng, tiêu hóa kém..

Chứng nhận này được khảo sát trên thị trường toàn quốc trong thời gian 1 năm, từ tháng 1 năm 2016 tới tháng 12/2016 trên cả phân khúc sữa bột và sữa bột pha sẵn.

Theo chứng nhận này thì thị phần của sản phẩm GrowPLUS+ chiếm hơn 37% trong toàn phân khúc sữa bột đặc trị và hơn 38% trong phân khúc sữa bột pha sẵn, trong khi nhãn hàng đứng thứ hai trong phân khúc sữa bột chỉ chiếm hơn 20% và trong phân khúc sữa bột pha sẵn chỉ chiếm gần 17%. Kết quả này được Nielsen đo lường dựa trên thống kê từ gần 190 nhãn hàng của 15 công ty sữa nước ngoài và hơn 50 công ty sữa trong nước.

GrowPLUS+ là sản phẩm ra đời từ sự trăn trở của các chuyên gia dinh dưỡng NutiFood sau rất nhiều năm trời là bác sĩ khám và chữa bệnh cho trẻ em suy dinh dưỡng tại Việt Nam. Trong gần 5 năm trời, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm của NutiFood đã làm việc miệt mài để ngày 1/4/2012, GrowPLUS+, sản phẩm đặc trị dành cho trẻ em được tung ra thị trường. Đây là sản phẩm đặc trị dành cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi đầu tiên tại thị trường Việt Nam và cả trên thế giới.

Công ty NutiFood đã hợp tác cùng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia để thực hiện đề tài chứng minh hiệu quả sử dụng sản phẩm GrowPLUS+ lên tình trạng dinh dưỡng, miễn dịch, phát triển tâm vận động của trẻ suy dinh dưỡng thấp còi tại tỉnh Bắc Giang.

Sau 6 tháng thực hiện đề tài, các chuyên gia đã theo dõi, đánh giá và cho thấy hiệu quả cải thiện rõ rệt tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, biếng ăn, giảm tỉ lệ trẻ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên, giảm tiêu chảy, táo bón, từ đó giúp trẻ tăng cân và tăng chiều cao tốt hơn nhóm trẻ không sử dụng sản phẩm GrowPLUS+ một cách rõ rệt. Kết quả cũng cho thấy tỉ lệ các mẹ tin tưởng vào sản phẩm và cảm thấy sản phẩm phù hợp với con mình lên đến 93,4 %, trong đó 83,6% các mẹ cho rằng GrowPLUS+ làm con tăng cân và ngủ ngon hơn; 82% làm con ăn ngon hơn.

Nhờ sự “truyền miệng” từ chính các bà mẹ khi cho con sử dụng sản phẩm Grow Plus+ của NutiFood, doanh số tăng trưởng của GrowPLUS+ lúc vừa ra đời chỉ khoảng vài trăm tỷ thì đến năm 2016 đã tăng lên con số vài ngàn tỷ, tăng trên 1800%, đồng thời GrowPLUS+ cũng đạt được sự tăng trưởng đều đặn qua các năm.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT của công ty NutiFood cho biết:

Chúng tôi rất tự hào về kết quả đánh giá này vì nó cho thấy đẳng cấp của GrowPLUS+, một sản phẩm của một công ty thuần Việt đã chiến thắng sản phẩm của các công ty đa quốc gia sừng sỏ đã có mặt nhiều năm ở thị trường Việt Nam.

Chúng tôi tự hào vì từng đi qua một số nước Đông Nam Á và rộng hơn ở một số nước Châu Á chúng tôi thấy, không một sản phẩm sữa đặc trị nào của công ty địa phương có thể vượt qua sản phẩm của các công ty đa quốc gia, trừ Nhật Bản vì đó là đất nước được chính phủ bảo hộ.

Khi chúng tôi tìm hiểu thì được biết, tại nhiều quốc gia như Thái Lan, các công ty sữa địa phương đã rất nỗ lực nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm đặc trị nhưng sau đó đều thất bại, nguyên nhân chủ yếu là do người tiêu dùng thiếu niềm tin vào sản phẩm, từ đó dẫn tới tình trạng sản phẩm ra đời, không cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia và thất bại.

Trong khi đó, thành công GrowPLUS+ của NutiFood có được hoàn toàn là do niềm tin từ người tiêu dùng và hiệu quả thật sự của sản phẩm. Bằng chứng là mức độ chênh lệch giữa doanh thu của sản phẩm và ngân sách cho hoạt động Marketing là rất lớn, chi tiêu Marketing không nhiều nhưng hiệu quả truyền miệng lại cao, dẫn đến doanh thu sản phẩm tốt, đó là điều mà rất nhiều người làm trong ngành Marketing phải mơ ước. Thành công đó đến từ việc các mẹ khi sử dụng GrowPLUS+ của NutiFood cho con thấy hiệu quả lại truyền miệng cho các mẹ khác và cứ thế các mẹ “rỉ tai” nhau giúp GrowPLUS+ của chúng tôi có được kết quả như ngày hôm nay.

Thông tin xem thêm tại: http://goo.gl/087lML.

Việc tính toán các thông số trên của NutiFood dựa trên một phần dữ liệu được báo cáo của Nielsen trong phạm vi dịch vụ Nghiên Cứu Đo Lường Bán Lẻ của ngành hàng sữa bột và sữa nước, về mặt doanh thu và sản lượng (theo định nghĩa của Nielsen) trong vòng 12 tháng gần đây nhất (tháng 01/2016 đến tháng 12/2016, cho thị trường Việt Nam (kênh truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại, trừ Saigon Coop và MM Mega Market Việt Nam).

Bản quyền © 2016, công ty Nielsen.

A.D

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Giá ớt ở Tây Ninh giảm sâu

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất của tỉnh Tây Ninh với khoảng 200 ha, chủ yếu tập trung ở 2 xã Ninh Điền và xã Long Vĩnh.

Anh Trần Lê, ấp Trà Sim, xã Ninh Điền trồng 1 ha ớt cho biết, mọi năm anh thu hoạch được gần 10 tấn, nhưng đến thời điểm thu hoạch có 3-4 tấn, thậm chí có ruộng thu hoạch chỉ được 2 tấn ớt/ha do năng suất giảm 50%. Năng suất giảm, giá ớt cũng giảm mạnh khi thương lái thu mua chỉ còn 9 ngàn đồng/kg làm nông dân trồng ớt lo lắng.

“Giá ớt phải đạt từ 20 ngàn đồng/kg thì nhà nông mới có lãi”, anh Lê nói. Anh Lê chia sẻ thêm, bên cạnh giá ớt giảm mạnh, cây ớt còn bị hư hại vì bệnh bạc đầu, xấu trái, mùa vụ năm nay anh lỗ hơn 40 triệu đồng cho 1 ha ớt.

Anh Nguyễn Văn Thế, ấp Long Châu, xã Long Vĩnh cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Với 5,5 công ớt trồng mùa vụ này, cộng tiền đầu tư, tiền công hái, phân bón, chăm sóc... anh lỗ khoảng 20 triệu đồng vì ớt cho năng suất kém lại mất giá.

Theo Nhật Vy

Nông nghiệp Việt Nam

Đọc tiếp »

Australia tiếp tục nới lệnh cấm nhập khẩu tôm

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đã thông báo về việc Chính phủ Australia quyết định nới lỏng lệnh tạm dừng nhập khẩu tôm, trong đó tôm tẩm ướp và thịt tôm tẩm ướp chưa nấu chín được đưa ra khỏi lệnh tạm dừng nhập khẩu.

Bộ Công thương cho biết, phía Australia sẽ bắt đầu chấp nhận các đơn đặt hàng nhập khẩu đối với mặt hàng này từ ngày 12/7/2017 với điều kiện đáp ứng nghiêm ngặt các quy định của Australia.

Cụ thể, tôm tươi tẩm ướp phải được cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận sản phẩm tôm không mang vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh đầu vàng (YHV) và đáp ứng các yêu cầu trong dự thảo Giấy chứng nhận thú y.

Cơ quan thú y thẩm quyền của Australia sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa khẩu đối với mặt hàng này, bao gồm: Kiểm tra niêm phong kiểm dịch đối với 100% lô hàng tại nơi đến; lấy mẫu xét nghiệm WSSV và YHV đối với 100% lô hàng.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Australia đã cung cấp hướng dẫn cho các nước có nhu cầu xây dựng quy trình xét nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn được Australia áp dụng xét nghiệm tác nhân gây bệnh tại nơi hàng hoá đến.

Theo Bộ Công thương, sau 4 lần thông báo nới lỏng lệnh cấm, Chính phủ Australia đã loại trừ 7 sản phẩm tôm ra khỏi lệnh tạm dừng nhập khẩu.

Hiện nay, Chính phủ Úc đang bắt đầu qui trình rà soát lại các điều kiện nhập khẩu và sẽ xem xét các nguy cơ an ninh sinh học đối với tôm và sản phẩm của tôm dùng làm thực phẩm được nhập khẩu từ các nước. Báo cáo phân tích nguy cơ nhập khẩu tổng thể năm 2009 (tôm IRA) sẽ được rà soát lại trong đợt này và sẽ mất khoảng hai năm để hoàn thiện.

Các đối tác thương mại sẽ có cơ hội được góp ý vào dự thảo báo cáo khi dự thảo này được hoàn thiện và đăng trên trang website của Bộ Nông nghiệp Úc. Tất cả các góp ý sẽ được xem xét trong quá trình chuẩn bị báo cáo cuối cùng. Úc cũng đã thông báo cho Uỷ ban SPS của WTO về việc rà soát này (G/SPS/N/AUS/422).

Tùng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Đạt 3,9 tỷ USD, xuất khẩu điện thoại có chiều hướng giảm

Theo đó, tháng 5/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 35,2 tỷ USD, tăng 0,9% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,9% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 18 tỷ USD, tăng 3,7%.

Như vậy, hết tháng 5/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 161,28 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4%, tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 82 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2016.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5/2017 ước tính thâm hụt 800 triệu USD, bằng 4,7% kim ngạch xuất khẩu trong tháng. Tính đến hết tháng 5/2017, Việt Nam nhập siêu gần 2,7 tỷ USD, bằng 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Một điểm đáng chú ý khác là nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta bị sụt giảm về trị giá hoặc có mức tăng trưởng thấp.

Đáng kể nhất là mặt hàng điện thoại, sau 4 tháng đầu năm liên tục tăng trưởng và lập được dấu mốc xuất khẩu gần 4,4 tỷ USD chỉ trong tháng 4 vừa qua, bước sang tháng 5, nhóm hàng này có dấu hiệu đi xuống.

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 5 là 3,9 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 5/2017, trị giá đạt 16,05 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2016.

Ngoài điện thoại, các nhòm hàng chủ lực cũng có mức tăng trưởng khá thấp so với quy luật. Đơn cử như hàng dệt may ước chỉ tăng 1,4% so với tháng trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9% so với tháng trước, trong khi từ đầu năm đến hết tháng 4 nhóm hàng nay luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao 2 con số...

Theo Thái Bình

Báo hải quan

Đọc tiếp »

Lấy ý kiến điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP

Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh ban hành Bản câu hỏi điều tra áp dụng biện pháp tự vệ dành cho các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu sản phẩm phân bón DAP.

Hôm 12/5/2017, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam có mã HS là 3105.10.90; 3105.30.00; 305.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00 và 3105.90.00.

Mặt hàng phân bón bị điều tra lần này là tất cả các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%. Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như Ma-giê (Mg), Can-xi (Ca), Lưu huỳnh (S), Ka-li (K)… hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hoá học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm. Việc bổ sung các chất vi lượng là để phù hợp với từng loại đất và từng nhóm cây trồng.

Danh mục câu hỏi dành cho các nhà sản xuất nội địa trong bản điều tra lần này nhắm tới một số thông tin liên quan đến thông tin công ty, các chỉ số về số lượng, doanh số bán hàng, hệ thống phân phối, chi phí sản xuất, lợi nhuận, đầu tư và dòng tiền, lao động và tiền lương, lợi ích xã hội.

Đối với các nhà nhập khẩu, danh mục câu hỏi bao gồm các thông tin liên quan đến thông tin hoạt động kinh doanh, thông tin chung (bao gồm thông tin công ty, cơ cấu tổ chức của công ty, báo cáo tài chính, địa điểm lưu giữ tài liệu, loại hàng hóa nhập khẩu và hoạt động công ty), thông tin mua hàng thuộc đối tượng điều tra.

Trong trường hợp không tham gia trả lời bản câu hỏi điều tra, Cơ quan điều tra có thể sử dụng các thông tin sẵn có. Câu hỏi yêu cầu gửi về cho Cục quản lý cạnh tranh trước ngày 30/6/2017.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 4,15 triệu tấn phân bón, tương ứng 1,1 tỷ USD. Bộ Công Thương dự tính, chi nhập khẩu phân bón trong năm 2017 tương đương với năm 2016 ở mức 1,1 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu chính là từ Trung Quốc.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Đọc tiếp »

Giá dầu sụt mạnh vì nhà đầu tư mất niềm tin vào OPEC

“Trò chơi con gà và quả trứng giữa OPEC và Nga với thị trường đã trở lại”, một chuyên gia nhận xét...

Thị trường dầu lửa thế giới đang hoài nghi cao độ về khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga có thể đưa tương quan cung-cầu dầu về trạng thái cân bằng. Khả năng xuất hiện một làn sóng nguồn cung dầu mới từ các nhà sản xuất khác đã đẩy giá dầu giảm sâu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.

Theo tin từ CNBC, giới phân tích nói rằng các nhà giao dịch dường như đang gia tăng mạnh số vị thế bán khống dầu. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Năm, tâm lý bi quan về giá dầu gia tăng khi có tin Libya đã tăng sản lượng dầu lên mức 827.000 thùng/ngày, cao nhất trong 3 năm.

“Trò chơi con gà và quả trứng giữa họ [OPEC và Nga] với thị trường đã trở lại”, ông John Kilduff, chuyên gia thị trường dầu lửa đến từ Again Capital, phát biểu.

Giá dầu WTI giao tháng 7 tại thị trường New York, Mỹ chốt phiên với mức giảm 2,7%, còn 48,32 USD/thùng. Trong phiên, có giá dầu WTI giảm dưới ngưỡng 48 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent có thời điểm lần đầu tiên trong 2 tuần rớt dưới ngưỡng tâm lý 50 USD/thùng. Kết thúc phiên, giá dầu Brent hạ 3%, còn 50,66 USD/thùng.

Tuần trước, OPEC và Nga cùng một số nước sản xuất dầu lớn khác nhất trí gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày thêm 9 tháng. Tuy nhiên, giá dầu đã sụt 5% ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, bởi thị trường vốn kỳ vọng các bên sẽ đi đến quyết định sẽ giảm sản lượng sâu hơn.

Ông Kilduff nói rằng thị trường đã coi cuộc họp vừa rồi của OPEC là một thất bại lớn, đặc biệt là ở việc các bên không đưa ra được hạn chế sản lượng nào đối với Libya, Nigeria và Iran. Mức xuất khẩu dầu của Libya đã đạt trung bình 500.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay, so với 300.000 thùng/ngày vào năm ngoái.

Nigeria và Libya thời gian qua đã chứng tỏ là những “nhân tố bất ngờ” trên thị trường dầu lửa bởi giới phân tích không thể đoán chắc hoạt động khai thác dầu của các nước này có thể phục hồi ra sao sau thời gian bị gián đoạn bởi nội chiến.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến cũng là một “kẻ phá bĩnh” đối với thỏa thuận của OPEC và Nga.

Với công nghệ cải tiến, các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã đưa sản lượng dầu của họ lên ngưỡng của năm 2015 một cách khá dễ dàng, nhằm tranh thủ mức giá dầu 50 USD/thùng. Trừ phi giá dầu giảm mạnh, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo có thể tái lập kỷ lục vào cuối năm nay, từ mức khoảng 9,3 triệu thùng/ngày hiện nay.

Theo hãng tin Bloomberg, một nguồn cung khác có thể gây sức ép với giá dầu là dầu thô khai thác từ các giếng ở vùng biển sâu.

Bloomberg dẫn một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nói rằng việc khai thác dầu ở vùng biển sâu đang trở nên rẻ hơn nhờ các nhà sản xuất tinh giản hoạt động và ưu tiên khoan ở các giếng chính. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần giá dầu 50 USD/thùng là các giếng dầu này có thể hoạt động đến sang năm, từ ngưỡng giá cần có để hòa vốn là 62 USD/thùng vào quý 1 năm nay và mức 75 USD/thùng vào năm 2014.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Đọc tiếp »

Năm 2017 giảm gần 52 ngàn tấn điều?

Tại Hội nghị Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững mở rộng 2017, tổ chức ngày 1/6 ở TP HCM, thông tin từ Cục Trồng trọt cho hay, năng suất điều năm 2017 dự kiến chỉ đạt bình quên 0,87 tấn/ha, giảm 0,21 tấn/ha so năm 2016.

Nguyên nhân là do những tháng đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 3) có nhiều cơn mưa trái mùa xảy ra vào thời gian điều trổ hoa, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất điều.

Theo báo cáo từ các Sở NN-PTNT, tỉnh Bình Phước giảm năng suất 0,209 tấn/ha (giảm 17,41%), Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 0,18 tấn/ha (giảm 15,13%), Đồng Nai có 19.647 ha (chiếm trên 50% diện tích điều của tỉnh) giảm năng suất, Lâm Đồng giãm trên 50% năng suất điều.

Do năng suất điều ở nhiều địa phương giảm mạnh nên dự kiến trong năm 2017, sản lượng điều chỉ đạt 252.038 tấn, giảm 51.860 tấn so năm 2016.

Tuy nhiên, theo thông tin từ một số đại biểu đến từ các tỉnh trồng điều trọng điểm, tình trạng mất mùa trên thực tế còn nặng nề hơn nhiều. Như ở Bình Phước, ông Doãn Quốc Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho hay, năng suất điều tỉnh này có thể giảm 30-40%. Do đó, sản lượng điều bị giảm trên thực tế có thể cao hơn nhiều ước tính nói trên.

Theo Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm 2017, lượng nhân điều đã XK ước đạt 79 ngàn tấn, đạt giá trị 735 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều XK giảm 13,1% nhưng giá trị lại tăng 7% nhờ giá hạt điều XK tăng. Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam cho thấy, trong quý 1, giá nhân điều XK bình quân 9.279 USD/tấn, tăng 22,6% so cùng kỳ 2016.

Theo Sơn Trang

Nông nghiệp Việt Nam

Đọc tiếp »

“Cơn lốc” giảm giá ô tô đang tới

Nửa năm 2017 đã đi qua, với nhiều tác động, trong đó có việc giảm thuế NK ô tô nguyên chiếc trong khu vực (10%), giá bán nhiều sản phẩm ô tô tại Việt Nam đã giảm trông thấy.

Năm 2018, thuế NK ô tô trong khu vực giảm xuống 0%, tâm lý của số đông người tiêu dùng ngóng chờ một đợt giảm giá sâu nữa. Có hay không giấc mơ ô tô giá rẻ tại Việt Nam?

Cuộc đua giảm giá

Thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến một cuộc đua giảm giá chưa từng có của nhiều hãng xe. Cuộc đua giảm giá xe bắt đầu “nóng” vào cuối năm 2016 và kéo dài trong suốt nửa đầu năm 2017.

Trước Tết, Trường Hải “tung” ra đợt giảm giá “sốc” khi các sản phẩm mang thương hiệu Mazda giảm từ vài chục tới gần 200 triệu đồng và chương trình này kéo dài sang cả năm 2017.

Sang tháng 2/2017, bảng giá bán lẻ của 2 thương hiệu Kia và Peugeot cũng giảm đáng kể. Đơn cử Kia, mức giảm giá thấp là Morning (30 triệu đồng); mức giảm giá lớn nhất là Sedona (95 triệu đồng). Đối với Peugeot mức giảm cao nhất là Peugeot 2008 (giảm 70 triệu đồng); Peugeot 208 FL có mức giảm thấp nhất (30 triệu đồng).

Không “ngồi yên” được, tháng 2, Toyota Việt Nam (TMV), liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam, nắm quyền sản xuất, kinh doanh 2 thương hiệu ôtô du lịch lớn là Toyota và Lexus, cũng tung ra giá mới cho các mẫu xe của mình. Theo đó nhiều mẫu xe đã được giảm giá, mức giảm nhiều nhất là 164 triệu đồng cho xe Land Cruiser Prado phiên bản TX-L; 44 triệu đồng cho Yaris phiên bản E; LX570 giảm 210 triệu đồng; ES350 là 50 triệu đồng.

Các “ông lớn” giảm vậy, thị trường chịu tác động mạnh, các thương hiệu khác cũng đã có chuyển biến. Các đại lý cũng “nghiến răng” chịu lãi ít, thậm chí chấp nhận chịu lỗ để cạnh tranh.

Tháng 4, đại lý của Honda Việt Nam (HVN) quyết định giảm giá cho một số mẫu ô tô như City 2017 (từ 533 triệu đồng xuống 501 triệu đồng với số sàn, từ 583 triệu đồng xuống 551 triệu đồng số tự động); Civic (giảm từ 30 - 40 triệu đồng xuống còn 910 - 920 triệu đồng); Odyssey (giảm từ 60 - 70 triệu đồng). Các dòng xe của Toyota như Camry tiếp tục được các đại lý giảm 55 triệu đồng; Hilux giảm 15 triệu đồng; Innova giảm 30 - 40 triệu đồng; Vios giảm 20 - 25 triệu đồng. Chevrolet cũng tham gia vào cuộc đua giảm giá khi Colorado được giảm từ 30-70 triệu đồng; Aveo giảm 30 triệu đồng; Cruze giảm từ 50-60 triệu đồng; Orlando và Captiva giảm từ 15-24 triệu đồng.

Một số mẫu xe như Ford như Fiesta giảm khoảng 37 - 44 triệu đồng; Focus giảm 50 triệu đồng; Ranger cũng giảm từ 20 - 40 triệu đồng; EcoSport dao động từ 40 - 63 triệu đồng; Transit được giảm đồng loạt khoảng 50 triệu đồng cả 3 phiên bản; Everest được giảm khoảng 30 triệu đồng với cả hai phiên bản 2.2L.

Trong tháng 5 này, mẫu xe Camry của Toyota tiếp tục giảm sâu tới 90 triệu đồng. Nissan Việt Nam cũng công bố mức giảm tới 85 triệu đồng cho mẫu Nissan X-Trail, cùng gói khuyến mãi khoảng 40 triệu đồng, chưa kể những ưu đãi riêng từ các đại lý của Nissan. Mức giảm ấn tượng nhất là mẫu CR-V của Honda khi tháng 4, Honda CR-V được các đại lý giảm giá tới 110 triệu đồng, đến tháng 5 này, mẫu xe này lại được các đại lý áp dụng mức ưu đãi cao nhất với giá trị từ 90 - 115 triệu đồng.

Giảm giá bán không chỉ vì thuế

Thuế giảm không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc các hãng xe giảm giá bán. Bởi, động thái này chỉ tác động tới xe NK nguyên chiếc từ khu vực ASEAN (từ mức 40% xuống 30%) và tác động cũng không lớn. Theo tính toán, với mức giảm 10% thuế NK, giá xe chỉ giảm từ 5-7%. Nhưng nhiều mẫu xe đến nay đã giảm từ 10-15%, tức là giảm giá gấp 2 lần, so với mức giảm do thuế NK mang lại. Mặt khác, xe lắp ráp trong nước không được “hưởng lợi” gì từ việc thuế xe nguyên chiếc giảm, nhưng nhiều sản phảm lắp ráp cũng đã giảm giá bán.

Hoạt động giảm giá mạnh nhiều sản phẩm vừa qua được cho là chiến lược “lùi để tiến” của một số DN lớn đang dẫn đầu thị trường. Đơn cử như Trường Hải, để đủ điều kiện đàm phán, hợp tác sản xuất sản phẩm với Mazda, Trường Hải phải nhanh chóng đạt số lượng các mẫu xe Mazda lên con số trên 40.000 xe/năm. Giải pháp hiệu quả được DN này đưa ra đó là giảm giá bán xe. Không chỉ với Mazda, chiến lược giảm giá cũng được Trường Hải áp dụng với các thương hiệu khác mà DN này đang sở hữu là Kia và Peugeot. Năm 2016, chính sách giảm giá giúp Trường Hải vượt qua TMV trở thành hãng lớn nhất Việt Nam với mức tăng trưởng đạt tới gần 60% (trong đó Kia tăng 55%, Mazda tăng gần 58%).

Cũng tương tư như vậy Hyundai Thành Công cũng phải chịu áp lực nhanh chóng tăng số lượng, nâng thị phần để đủ “cơ” ngồi xuống đàm phán hợp tác với Hyundai đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Và Hyundai Thành Công cũng đi theo chiến lược giảm giá sản phẩm. Việc giảm giá đẩy số lượng tiêu thụ tăng nhanh, thị phần mở rộng giúp cho các DN này có điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao tỉ lệ NĐH dần tiến tới giảm chi phí sản xuất…

Tốc độ tăng trưởng của Trường Hải đương nhiên khiến TMV không thể ngồi yên, lần đầu tiên, liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam này cũng phải thực hiện việc giảm giá sản phẩm. Khi các “ông lớn” hạ giá, các hãng khác đương nhiên không thể ngồi nhìn thị phần dần rơi rụng, cuộc đua giảm giá thời gian qua giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.

2018 có giảm sâu?

Năm 2018, thuế TTĐB giảm còn 35% với xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, 40% với xe 1.5L đến 2.0; đặc biệt, thuế NK xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm còn 0%. Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, các cơ quan quản lý chức năng đang xem xét phương án giảm thuế NK bộ linh kiện (từ mức 15% hiện nay xuống 10%; 5% thậm chí có thể về 0%).

Với những thay đổi này thị trường đang có tâm lý chờ đợi một cơn lốc giảm giá vào thời điểm 2018 với mức giảm sâu hơn năm 2017. Tuy nhiên mới đây, chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng giám đốc Trường Hải cho biết, tính đến nay, giá xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã giảm rất nhiều so với trước. Có thể nói giá xe đã chạm tới đáy, không có điều kiện giảm hơn nữa. Với phát biểu này, có thể hiểu xe Mazda, Kia do Trường Hải sản xuất lắp ráp và NK từ nay tới cuối năm sẽ không còn chương trình giảm giá mạnh mẽ nữa.

Với xe NK, như đã phân tích mức giảm thuế chỉ làm giảm 5-7% giá bán nhưng các hãng đã phải “nghiến răng” giảm tới 10-15% nên thời gian tới, dù thuế NK giảm xuống 0%, thì ô tô NK còn phải chịu nhiều chi phí khác liên quan đến thuế, phí, chi phí vận chuyển, bán hàng… cùng với các rào cản kỹ thuật dự đoán là sẽ được dựng lên để “ngăn” xe NK từ khu vực ASEAN tràn vào… khiến giá xe nếu có giảm cũng sẽ không được nhiều.

Không những thế, còn nhiều yếu tố khác tác động tới giá xe, trong đó liên quan đến các chính sách thuế, phí, giá tính thuế, kiểm soát CO form D, điều kiện kinh doanh sản xuất, NK ô tô đang được các cơ quan quản lý bàn thảo. Bên cạnh đó xe bán tải, dòng xe đang được ưa chuộng và bán rất chạy hiện nay đang được các cơ quan chức năng xem xét lại thuế TTĐB, lệ phí trước bạ.

Tất các cả yếu tố đó khiến nhiều DN, khi được hỏi đến đều lắc đầu cho rằng, giá đã đến đáy, khó có thể giảm nhiều, giảm sâu vào năm 2018(?).

Nói là vậy, nhưng giảm giá nữa hay không, không phải do các hãng quyết định, mà do thị trường quyết định.

Bởi có một thực tế mà Bộ Công Thương đã thừa nhận là giá bán ô tô của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Mức giá trung bình cao hơn gần 2 lần so với mặt bằng chung ASEAN (Thái Lan và Indonesia). Bên cạnh nguyên nhân về thuế, phí, qui mô sản xuất nhỏ, chi phí sản xuất lớn… thì kinh doanh ô tô tại Việt Nam vẫn được cho là khá ngon ăn bởi “lợi nhuận” lớn.

Trong khi tâm lý chờ giá giảm nữa của khách hàng đang dần bộc lộ rõ khi mà tháng 4 lượng bán ô tô trên cả nước chỉ đạt 21.942 chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước (mức giảm mạnh nhất là xe du lịch, đạt 10.705 chiếc, giảm 36% so với tháng trước; xe chuyên dụng đạt 1.675 chiếc, giảm 6%).

Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng dẫn đến thị trường giảm mạnh đó chính là người tiêu dùng cảm thấy hoang mang trước các đợt giảm giá liên tiếp vừa qua, liệu giá có còn tiếp tục giảm và năm 2018 phải chăng sẽ còn đợt giảm sâu nữa. Tâm lý chờ đợi này nếu kéo dài sẽ đặt các hãng vào bài toán khó: Đó là giảm giá nữa để tiêu thụ sản phẩm hay chấp nhận thị trường “đóng băng”. Quan trọng hơn động thái của các “ông lớn” sẽ ra sao khi mà Trường Hải và Thành Công vẫn đang cần số lượng, TMV đang bị giảm thị phần, cuộc cạnh tranh giữa sản phẩm NK và lắp ráp đang diễn ra gay gắt…

Nhận định của một chuyên gia cho rằng để thị phần không rơi vào tay đối thủ các DN sản xuất ô tô sẽ tiếp tục buộc phải giảm giá để cạnh tranh với xe NK có lợi thế về thuế. Đã đến lúc các nhà sản xuất cần phải bớt đi lợi nhuận để tăng doanh số bán hàng.

Vậy nên 2018 giá ô tô sẽ còn giảm!

Người tiêu dùng cảm thấy hoang mang trước các đợt giảm giá liên tiếp vừa qua, liệu giá có còn tiếp tục giảm và năm 2018 phải chăng sẽ còn đợt giảm sâu nữa. Tâm lý chờ đợi này nếu kéo dài sẽ đặt các hãng vào bài toán khó: Đó là giảm giá nữa để tiêu thụ sản phẩm hay chấp nhận thị trường “đóng băng”?

Một chuyên gia cho rằng để thị phần không rơi vào tay đối thủ các DN sản xuất ô tô sẽ tiếp tục buộc phải giảm giá để cạnh tranh với xe NK có lợi thế về thuế. Đã đến lúc các nhà sản xuất cần phải bớt đi lợi nhuận để tăng doanh số bán hàng.

Theo Nguyễn Hà

Báo hải quan

Đọc tiếp »

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Đề nghị tiếp tục cho tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp với quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.

Ngày 4/5, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn về vấn đề đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất theo Công văn số 3825/VPCP-V.I.

Văn bản bày tỏ sự lo ngại của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lá hợp pháp tại Việt Nam trước những hệ lụy nghiêm trọng của việc thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội đại hoặc tái xuất.

Các doanh nghiệp thuốc lá cho rằng, việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp với quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.

Hiệp hội này dẫn chiếu theo quy định tại Điều 15 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 và điều 22 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, thuốc lá được tiêu thụ hợp pháp tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện: Ghi nhãn bằng tiếng Việt; in cảnh báo sức khỏe bằng cả chữ và hình ảnh (theo quy định phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá); dán tem hoặc in mã số, mã vạch; phải được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Việt Nam; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá.

Trong khi đó, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu không phải đáp ứng tất cả những yêu cầu chặt chẽ nêu trên, mà vẫn được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa như thuốc lá hợp pháp là không phù hợp với các quy định hiện hành.

“Cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam”, văn bản của Hiệp hội nêu rõ.

Theo đó, hệ lụy có thể nhận thấy ngay từ những phân tích nói trên là sức khỏe cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng. Ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu một khoản đáng kể khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, do thuốc lá lậu bị tịch thu không đóng bất kỳ một khoản thuế nào nhưng vẫn được tiêu thụ chỉ thông qua bán đấu giá.

Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng của thuốc lá nhập lậu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa.

Hơn nữa, việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển…

Từ những phân tích trên Hiệp hội này cho rằng, việc cho phép tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu không đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn, không đảm bảo hiệu quả. Việc tái xuất chỉ làm tăng nguy cơ tái thẩm lậu, tạo điều kiện để thuốc lá nhập lậu được đưa trở lại Việt Nam một cách dễ dàng hơn và vô hiệu hóa công sức chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.

Xét về mặt pháp lý tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là không phù hợp với quy định của Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Vì vậy, để hạn chế thất thu ngân sách quốc gia, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các doanh nghiệp thuốc lá Việt Nam khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp tục duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thay vì thực hiện bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

Trước đó, ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3825/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Theo đó, đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.

Theo Phan Thu

Hải quan

Đọc tiếp »

Biện pháp nào quản lý phân bón giả, kém chất lượng?

Cần có quy chuẩn rõ ràng trong sản xuất phân bón, doanh nghiệp nào đạt được quy chuẩn mới được phép sản xuất.

Tại Hội nghị lấy ý kiến của các đại biểu tại khu vực phía Nam góp ý dự thảo Nghị định quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202 của Chính phủ cuối tuần vừa qua, đa số ý kiến đều nhất trí với các nội dung được nêu trong dự thảo của Nghị định.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng có ý kiến về công tác quản lý, khảo nghiệm. Đề nghị nêu rõ, bổ sung cụ thể trình độ chuyên ngành; nêu rõ điều kiện phòng cháy chữa cháy ở cửa hàng mua bán trong sản xuất đóng gói và mua bán; phân loại rõ thế nào là phân bón khác, thế nào là phân vô cơ, phân hữu cơ… để dễ quản lý.

Các đại biểu cũng đề xuất tăng quy mô sản xuất lớn và giảm sản xuất nhỏ lẻ phân bón, cần quy định cách đặt tên cho sản phẩm, tránh trường hợp quá nhiều tên thương phẩm; Tăng thời hạn cấp giấy chứng nhận để khuyến khích thương hiệu có uy tín ko phải xin cấp lại giấy phép nhiều lần.

Đại biểu Lâm Thị Thanh Thủy cho rằng, cần quản lý phân bón từ gốc, tuy nhiên hiện nay không có một quy chuẩn nào rõ ràng cho phân bón, phân đa lượng, phân phức hợp, phân hỗn hợp…

“Cần phải có quy định doanh nghiệp nào đạt được quy chuẩn mới được phép sản xuất. Đối với một số loại phân bón đặc thù, cũng có thể quản lý như thực phẩm chức năng dành cho con người, phải có ứng xử đặc thù riêng mới được đưa ra sản xuất và kinh doanh”, bà Thủy cho biết.

Nghị định số 202 về quản lý phân bón lần này có 55 điều, 9 chương và 6 phụ lục, trong đó có bổ sung thêm nhiều mục mới. Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón tại khu vực phía Nam, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp lại để hoàn chỉnh Nghị định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, hội nghị đã tiếp thu 11 ý kiến của các tỉnh và trên 20 ý kiến của các doanh nghiệp.

“Chúng ta cũng chia sẻ khó khăn bức xúc của các doanh nghiệp, địa phương trong thời gian vừa qua đối với lĩnh vực phân bón. Những ý kiến, kiến nghị từ hội nghị sẽ được tiếp thu để làm cơ sở trong quá trình chỉnh sửa tiếp theo”, ông Doanh nói./.

Theo Tiến Dũng

VOV

Đọc tiếp »

Nhiều mối nghi ngại về triển vọng của ngành dầu khí thế giới

Báo cáo kết quả kinh doanh nhìn chung khả quan của các tập đoàn dầu khí hàng đầu ở Mỹ và châu Âu trong quý đầu năm 2017 cho thấy tác động của sự hồi phục của giá dầu cũng như hiệu quả của chính sách cắt giảm chi phí trong thời gian qua.

Sau hơn hai năm đối phó với các vấn đề tài chính, các công ty dầu khí đã từng bước phục hồi. Hiện nay, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Royal Dutch Shell (Anh/Hà Lan), ExxonMobil (Mỹ) và Total (Pháp) đã có thể đảm bảo thanh toán cho các khoản chi đầu tư và cổ tức.

Tuy nhiên, ngành dầu khí vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trước mắt cũng như trong dài hạn. Điều này phần nào được phản ánh qua việc giá dầu thô gần đây giảm xuống dưới 50 USD/thùng, do thị trường lo ngại về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Thậm chí trong tuần qua, tập đoàn dầu khí BP của Anh đã thừa nhận rằng giá dầu rất có thể sẽ chỉ dao động quanh ngưỡng 50-55 USD/thùng trong năm 2017, trong bối cảnh lượng dầu mỏ tồn kho vẫn ở mức cao, còn các công ty Mỹ có chiều hướng gia tăng sản lượng.

Ông Anish Kapadia, chuyên gia phân tích của công ty Tudor Pickering Holt, cho biết nợ ròng của các công ty dầu mỏ lớn giảm chưa nhiều. Thị trường vẫn đang chờ những tín hiệu đáng tin cậy về khả năng các công ty này có thể đảm bảo thanh toán cổ tức và chi tiêu đầu tư với mức giá dầu hiện tại.

Trong khi đó, các công ty dầu mỏ đã cố gắng trấn an các cổ đông và nhấn mạnh cam kết sẽ thực hiện các nguyên tắc đầu tư và kiểm soát chi phí. Tập đoàn dầu khí Shell hồi tuần trước cho hay chi phí đầu tư của họ trong năm nay sẽ giảm khoảng 4 tỷ USD so với mức tổng đầu tư 25 tỷ USD trong năm 2016, trong khi tập đoàn dầu khí Statoil (Na Uy) cho biết đầu tư của họ sẽ được duy trì ổn định ở mức 11 tỷ USD.

Các khoản đầu tư mới của các tập đoàn dầu mỏ hiện chủ yếu tập trung vào nhóm dự án dầu khí ngắn hạn với triển vọng thu hồi vốn trong một vài năm, thay vì tập trung vào các dự án dài hạn tốn kém, nhiều rủi ro và thời gian hoàn vốn trên 10 năm.

Với chiến lược nói trên, tổng đầu tư của hai tập đoàn dầu mỏ của Mỹ là ExxonMobil và Chevron đã giảm mạnh so với năm 2014 dù rằng cả hai vẫn đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu đá phiến vốn có chi phí thấp hơn ở khu vực Permian Basin thuộc bang Texas và New Mexico của Mỹ. Trong kế hoạch phát triển tới năm 2020, Chevron dự kiến sẽ đầu tư 17-22 tỷ USD mỗi năm, giảm tương đối nhiều so với mức đầu tư 41,9 tỷ USD hồi năm 2013.

Trong khi đó, hiện cũng có những dấu hiệu cho thấy các tập đoàn dầu mỏ đang đầu tư trở lại vào các dự án lớn hơn. Chẳng hạn, BP xúc tiến đầu tư vào dự án phát triển mỏ Mad Dog 2 trị giá 9 tỷ USD ở Vịnh Mexico.

Chuyên gia Angus Rodger thuộc Công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie cho hay số dự án mới được thông qua trong năm 2017 sẽ đạt con số 20, tăng so với số 9 dự án trong năm 2016, song mới chỉ bằng một nửa mức trung bình 40 dự án được thông qua mỗi năm trong thời gian từ năm 2010 đến 2014. Việc chưa thể khôi phục được mức đầu tư trước đây vào các dự án mới đã làm dấy lên những mối nghi ngại vào triển vọng của ngành dầu mỏ trong dài hạn.

Nhà phân tích Alastair Syme thuộc Citigroup lưu ý rằng Shell quá phụ thuộc vào việc gia tăng dòng tiền mặt và hạn chế đầu tư trong bối cảnh giá dầu thấp có nguy cơ khiến Shell đầu tư ít cho tương lai.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần trước cảnh báo rằng đầu tư ở mức thấp lịch sử có nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung vào năm 2020. Nhà phân tích Kapadia thuộc Tudor Pickering Holt lưu ý rằng hạn chế đầu tư có thể dẫn đến chu kỳ giá dầu thô sụt giảm vào đầu năm 2020.

Yếu tố được nhìn nhận có thể tạo nên sự khác biết đối với các chu kỳ biến động của giá dầu trong các giai đoạn trước đây là sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

Scott Sheffield, Giám đốc điều hành Pioneer Natural Resources, một trong những công ty sản xuất dầu đá phiến hàng đầu của Mỹ, tin rằng Permian Basin có thể sản xuất 8-9 triệu thùng/ngày, so với 2,4 triệu thùng/ngày hiện nay. Ông dự báo rằng mức sản lượng này có thể khiến giá dầu toàn cầu trên đà giảm trong nhiều năm tới.

Nhà phân tích năng lượng Philip Verleger cho rằng đây là tin không vui đối với các công ty sản xuất dầu mỏ lớn bên ngoài nước Mỹ vào thời điểm ngành dầu mỏ đối mặt với những mối đe dọa cạnh tranh mới trước sự phát triển của năng lượng tái tạo và ôtô điện./.

Theo TTXVN

Vietnam+

Đọc tiếp »

Heo rớt giá thảm hại, thịt gà lại tăng giá mạnh

Trong khi giá heo hơi xuống mức thấp kỷ lục khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức phải đứng ra “giải cứu” thì thời gian gần đây, giá gà công nghiệp lông trắng và gà lông màu liên tục tăng giá và đang ở mức khá cao.

Cụ thể, giá thu mua gà lông màu tại các tỉnh phía Nam đã tăng khoảng 4.000 – 7.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 4.2017 và tăng khoảng 15.000 – 18.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 3.2017.

Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, giá gà hiện đạt 33.000 – 34.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh ĐBSCL, giá gà được bán với giá 34.000 – 35.000 đồng/kg. Đồng thời, giá thu mua gà lông trắng ổn định ở mức giá khá cao là 34.000 – 35.000 đồng/kg tại các tỉnh Đông Nam Bộ và 33.000 – 34.000 đồng/kg tại các tỉnh ĐBSCL.

Giá thu mua gà ta tại Đồng Nai hiện ổn định ở mức 60.000 – 62.000 đồng/kg; Vĩnh Long 75.000 đồng/kg; An Giang 90.000 đồng/kg (bán buôn)…

Nguyên nhân khiến giá gà tăng mạnh là do thời tiết thất thường khiến gà chậm lớn, năng suất không ổn định. Giá gà tăng còn do một số công ty chăn nuôi lớn chuyên cung cấp lượng gà lớn cho thị trường sau thời gian lỗ nặng đã giảm đàn. Ngoài ra, việc tạm ngưng nhập khẩu gà từ Mỹ cũng khiến giá gà trong nước tăng giá.

Trước đó, đầu tháng 3.2017, giá gà công nghiệp lông trắng đã giảm sâu dưới mức giá thành là 17.000 – 19.000 đồng/kg. Giá gà giảm mạnh do người nông dân tăng đàn quá nhanh và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số địa phương nên người tiêu dùng e ngại khi dùng sản phẩm gia cầm.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thịt gà sau Tết có giảm so với trước và trong Tết, trong khi lượng cung vẫn nhiều nên mất cân đối cung cầu. Đặc biệt, thông tin thịt gà nhập khẩu chỉ bán dưới 20.000 đồng/kg cũng khiến giá gà trong nước “lao đao”.

Được biết, sản phẩm thịt gà công nghiệp như đùi tỏi gà, đùi gà góc tư, cánh gà, gà Mỹ nguyên con được nhập ồ ạt về Việt Nam với giá siêu rẻ, chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg khiến giá gà công nghiệp lông trắng của Việt Nam giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ hàng tỉ đồng.

Do đó, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu gia cầm, các sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ bang Wisconsin và Tennessee của Hoa Kỳ kể từ 10.3 với lý do đang có dịch cúm gia cầm độc lực cao H7 và cúm gia cầm độc lực thấp H5N2.

Theo Phan Diệu

Một thế giới

Đọc tiếp »

Đề xuất cấm heo không 'lai lịch' vào thành phố

Heo mảnh không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện có thể sẽ không được vận chuyển đưa vào TP.HCM.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết đến nay đã có 821 siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM và các tỉnh bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, hai chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và 146 gian hàng kinh doanh thịt thuộc hệ thống Vissan ở 23 chợ truyền thống đã bán thịt heo truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc miếng thịt heo.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương TP.HCM, tại hệ thống bán lẻ truyền thống việc truy xuất nguồn gốc thịt heo gặp khó khăn.

Nguyên nhân do số lượng đối tượng tham gia chăn nuôi, thu mua, giết mổ phân phối đa số là hộ gia đình. Tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ hoặc thương lái không có đăng ký kinh doanh và mua bán tự phát, không tích cực tham gia thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, công tác phối hợp với các địa phương còn khó khăn, một số tỉnh, thành chưa tích cực phối hợp triển khai. Dẫn đến tình trạng thông tin từ khâu chăn nuôi giết mổ vận chuyển về TP không được kết nối. Điều này dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc bị gián đoạn gây hiểu lầm là việc truy xuất nguồn gốc chỉ mang tính hình thức, lãng phí không hiệu quả.

Từ đó, Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị TP thống nhất với các tỉnh áp dụng đồng bộ quy định đối với heo đưa vào TP. Theo đó, tại cơ sở giết mổ, cơ quan thú y kiên quyết không cho xuất heo mảnh không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện, vòng niêm xe để đưa vào TP.

Tại hai chợ đầu mối, cơ quan thú y, Ban An toàn thực phẩm và ban quản lý chợ kiên quyết không cho nhập heo mảnh vào chợ để kinh doanh nếu các mảnh heo không có thông tin truy xuất nguồn gốc…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, kiến nghị thời gian tới, TP phối hợp với các tỉnh tập trung rà soát, vận động có trọng điểm các hộ chăn nuôi tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc chứ không tràn lan. Bởi ở các tỉnh đều có các cơ sở chăn nuôi đạt VietGAP nằm trong các dự án như Lipsaf thì tập trung những hộ này, chính hộ này bảo đảm nguồn heo có chất lượng nhất.

“Có giới hạn đối tượng lại như vậy thì tức khắc thương lái sẽ tìm đến trang trại này để mua những nguồn heo đạt chuẩn, mới đủ điều kiện đưa vào TP” - ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, khi làm được vậy sẽ đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất là những con heo đưa vào TP thật sự là heo từ trang trại đạt chuẩn VietGAP. Thứ hai là tạo thế chủ động cho các trang trại, thúc đẩy sự thay đổi trong quá trình chăn nuôi. Cụ thể, những hộ nào muốn đưa heo vào TP tiêu thụ thì nhanh chóng tái cơ cấu lại, chăn nuôi theo chuẩn VietGAP.

Theo Tú Uyên

Pháp luật TPHCM

Đọc tiếp »

Nhà máy 'khát' nguyên liệu sắn, mía

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn và mía đường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang gặp khó khăn về nguyên liệu.

Theo đó nguồn nguyên liệu mía cây phục vụ công nghiệp chế biến hiện chỉ đáp ứng được 1.800 tấn mía/ngày, trong khi nhu cầu của nhà máy đường là 2.200 tấn mía/ngày, thiếu 400 tấn/ngày.

Đối với nguồn nguyên liệu sắn, sản lượng toàn tỉnh năm 2016 là hơn 215 nghìn tấn sắn củ tươi, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất công nghiệp, nhưng thời gian này bị thiếu vì nhiều nhà máy đồng loạt thu mua, cạnh tranh nhau về giá cả.

Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, trước mắt các nhà máy chế biến ở Kon Tum tiếp tục thực hiện thu mua mía và sắn tại các tỉnh lân cận. Giải pháp lâu dài là tăng cường đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, nhất là cây mía và tiếp tục hỗ trợ cây giống, vật tư, phân bón,... đảm bảo sắn và mía có đầu ra ổn định.

Theo Kim Hải

Nông nghiệp Việt Nam

Đọc tiếp »

Bất chấp giá thịt lợn thấp kỷ lục, chăn nuôi gia công vẫn "sống khỏe"

Trong khi giá thịt lợn hơi đang rớt ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, làm người chăn nuôi bị thua lỗ nặng, những cơ sở chăn nuôi lợn gia công quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lại đang “sống khỏe” do thực hiện chuỗi liên kết khép kín với các công ty chăn nuôi từ khâu đầu vào đến việc bao tiêu đầu ra.

Trang trại chăn nuôi lợn rộng 2 ha của anh Nguyễn Phước Minh ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bắt đầu liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam theo hình thức nuôi gia công từ năm 2009. Trang trại có 3 dãy chuồng nuôi rộng 1.800m2 đang thả nuôi 1.000 con lợn thịt.

Theo cam kết giữa anh Minh và phía Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, chủ cơ sở chăn nuôi sẽ đầu tư xây dựng về mặt chuồng trại theo như mẫu thiết kế của phía công ty đưa ra. Phía công ty sẽ đảm bảo cung cấp các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra.

Khi lợn đến thời điểm xuất chuồng, phần lợi nhuận sẽ được chia cho người chăn nuôi, dao động từ 2.000-2.500 đồng/kg thịt hơi. Với mức thỏa thuận này, mỗi năm gia đình anh Minh cũng có thu nhập 400 triệu đồng từ việc nuôi gia công 2 lứa lợn.

Anh Nguyễn Phước Minh cho biết trước đây, gia đình cũng chỉ nuôi lợn theo quy mô gia trại khoảng hơn 10 con, thu nhập thất thường vì phụ thuộc vào giá cả thị trường, chưa kể những rủi ro khi có dịch bệnh xảy ra. Mô hình nuôi lợn gia công mặc dù phải đầu tư chi phí chuồng trại ban đầu lớn nhưng đổi lại người chăn nuôi không phải lo vấn đề đầu ra. Trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên tham gia chuỗi liên kết cũng rất rõ ràng để đảm bảo cung ứng nguồn thịt lợi ổn định, chất lượng ra thị trường.

Huyện Duy Xuyên hiện có 9 trang trại nuôi lợn gia công liên kết với các công ty chăn nuôi. Trái ngược với những trang trại nuôi gia công có đầu ra ổn định, hàng ngàn hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ của huyện Duy Xuyên lại đang lao đao, tìm cách bán tháo lợn vì giá cả xuống quá thấp, nếu giữ lợn ở trong chuồng sẽ càng lỗ vì tốn chi phí thức ăn.

Theo ông Huỳnh Văn Ánh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, giá thịt lợn hơi tại địa phương hiện nay dao động từ 28.000 đồng-30.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá cả quá thấp khiến đa phần các hộ chăn nuôi ngừng tái đàn, giá lợn giống trong dân chỉ còn 100.000 đồng/con lợn, thay vì 700.000 đồng/con lợn ở cùng thời điểm này năm 2016.

Chi cục Thú y Quảng Nam cho hay, tỉnh hiện có 45 cơ sở chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Việt Swine line theo hình thức nuôi lợn gia công, tập trung chủ yếu ở thị xã Điện Bàn, huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Hiệp Đức... Tổng đàn lợn thịt thường xuyên của các cơ sở chăn nuôi lợn gia công là gần 42.000 con, hằng năm cung ứng ra thị trường hơn 8.400 tấn thịt lợn hơi.

Để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia công, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 12/2016 QĐ-UBND về quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020.

Các cơ sở chăn nuôi gia công được hỗ trợ đầu tư tối đa bằng 60% tổng mức đầu tư nhưng không quá 2 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng xử lý chất thải, điện, nước trong hàng rào dự án. Đầu năm 2017, tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó, bố trí các khu chăn nuôi tập trung để giải quyết nhu cầu về mặt bằng đầu tư chăn nuôi quy mô lớn cho các tổ chức, cá nhân.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho biết hiện nay, nhiều công ty chăn nuôi đang có ý định mở rộng liên kết với người dân theo mô hình chăn nuôi gia công. Mô hình này có ưu điểm giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ quản lý, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, khả năng nắm bắt thị trường...

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát cũng như xử lý chất thải chăn nuôi góp phần đảm bảo yếu tố môi trường./.

Theo Đỗ Trường

Vietnam+

Đọc tiếp »

Việt Nam xuất khẩu tôm sang 68 thị trường

Top 10 thị trường xuất khẩu chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam.

Hiệp Hội chế biến xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại, chỉ đạt 618 triệu USD. Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh và thuế Chống bán phá giá vẫn duy trì khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này.

Xuất khẩu sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.

Trong quý 1/2017, Việt Nam Xuất khẩu tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.

Vị trí của top 10 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada và đứng ở vị trí thứ 7.

Vasep cho rằng, biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. Xuất khẩu tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%, trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.

Tùng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Mô hình đa canh độc đáo thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Nhờ xen canh nhiều loại cây trên một đơn vị diện tích, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, ông Trần Văn Ngọ ở thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chủ trang trại rộng 36ha có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Liên Hà, chúng tôi đến thăm ông Trần Văn Ngọ ở thôn Liên Hồ, một trong những nông dân có mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Những năm trước đây, trên diện tích đất của gia đình ông Ngọ chỉ trồng độc canh cây cà phê, chất đất lại xấu, cà phê ngày càng già cỗi dẫn đến hiệu quả đem lại thấp. Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, ông đã mạnh dạn áp dụng mô hình xen canh, vì thế thu nhập được nâng lên đáng kể.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế của gia đình, ông Ngọ hồ hởi cho hay: Trồng xen canh các loại cây với nhau giúp bổ sung rất nhiều các chất khoáng và pH cho đất, nói chung là nó điều tiết được thổ nhưỡng, vì thế vườn cây luôn phát triển xanh tốt. Hiệu quả cũng đem lại gấp nhiều lần so với trồng độc canh cà phê.

“Có những cây bơ tôi thu gần 20 triệu đồng, còn sầu riêng mỗi cây cho năng suất trung bình từ 70 - 100kg, với giá cả như hiện nay thì cũng có thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/cây. Đối với cà phê trồng độc canh thì có chăm sóc tốt thế nào thì cũng chỉ được 5 tấn nhân/ha, trừ chi phí chỉ còn khoảng 100 triệu thôi…”.

Trên trang trại có diện tích rộng đến 36ha của mình, ông Ngọ tiến hành phân thành 20 lô gọn gàng. Các lô được ngăn cách bởi những con đường rộng chừng 1,5m hình bàn cờ, xe ô tô có thể vào tận nơi chở cà phê. Hai bên các con đường đều được trồng bơ và mang lại thu nhập không hề nhỏ với sản lượng 40 - 50 tấn/năm và giá bán trung bình 60.000 đồng/kg.

Ngoài ra, ông Ngọ còn trồng xen bí đao vào những nơi cây cà phê còn thưa. Chỉ cần giá bán 2.000 đồng/kg cũng thu được khoảng 200 triệu đồng/năm từ loại cây không cần chăm sóc này. Ông Ngọ ước tính thu nhập từ trang trại đa canh của mình đạt hơn 7 tỷ đồng mỗi năm. Hiện trang trại giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 40 - 50 lao động thời vụ vào mỗi mùa thu hoạch cà phê.

Hiện tại, diện tích cà phê này đã cho thu hoạch từ 6 - 7 tấn nhân/ha. Một số cà phê mới trồng thêm cũng cho sản lượng khoảng 3 tấn/ha. Vụ cà phê năm 2016, trang trại của ông Ngọ thu được 110 tấn nhân. Ông đã đầu tư lò sấy cà phê, lượng vỏ cà phê được sử dụng để đốt lò vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo môi trường sạch đẹp. Đặc biệt, điều này đã hạn chế tối đa tình trạng cà phê hư hỏng vào mùa mưa, từ đó hạn chế thất thoát sản lượng thu được.

Đáng nói hơn, vườn cà phê của ông Ngọ đang được chọn thử nghiệm chương trình “Trồng cà phê bền vững” của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và được hỗ trợ hướng dẫn cách thức chăm sóc để đảm bảo năng suất ổn định qua các năm. Cụ thể, thay vì chữa bệnh lúc sâu bệnh đã rộ, ông áp dụng kỹ thuật kháng bệnh trước cho cây, kết hợp trong lúc bỏ phân, tưới nước.

Bên cạnh đó, trang trại còn có hệ thống chuồng trại để nuôi gia công 2.000 con heo thịt cho một Cty cổ phần trên địa bàn, bình quân mỗi lứa nuôi trong vòng 8 tháng, thu về 800 triệu đồng. Quan trọng hơn, phân chuồng được ông tận dụng để ủ phân xanh và nước thải của heo được sử dụng để tưới cà phê. Nguồn nước này được dẫn chảy vào hồ, sau đó được pha loãng với nước với tỷ lệ 1m3 nước phân/4m3 nước hồ. Chỉ với nguồn nước này được sử dụng để tưới cà phê, vừa cung cấp nước, vừa cung cấp lượng phân bón cần thiết cho cây mà không phải sử dụng các loại phân bón hóa học.

Những năm gần đây, khi nhận thấy giá trị kinh tế đặc biệt của cây mắc ca, ông Ngọ lại đầu tư trồng loại cây "nữ hoàng” này. Sau 4 năm trồng mắc ca cho thu trái bói, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Hiện tại, trang trại của ông Ngọ đang trồng xen khoảng 300 gốc mắc ca, bắt đầu cho trái với sản lượng khoảng 20kg/cây/mùa, giá ổn định từ 120.000 - 150.000 đồng/kg quả khô.

Theo ông Ngọ, trồng xen canh được xem là cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên, vì vừa bồi bổ chất đất, vừa hạn chế sâu bệnh phá hoại mặc dù nông dân phải chấp nhận bỏ vốn đầu tư nhiều hơn. Nhưng bù lại, hiệu quả mang lại không hề nhỏ khi biết chọn các loại cây hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đặc biệt, việc đa canh sẽ hạn chế tránh tình trạng mất trắng khi một trong các loại nông sản mất mùa hay rớt giá.

Theo Thanh Sa

Nông nghiệp Việt Nam

Đọc tiếp »

Yêu cầu kiểm tra toàn bộ thịt nhập khẩu từ Brazil trước ngày 23/3

Bộ Tài chính vừa có công văn hỏa tốc số 4451/BTC-TCHQ ngày 03/4/2017 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt.

Trước đó, ngày 23/3/2017,Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện theo nội dung Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY nêu trên, đồng thời Bộ cũng chỉ đạo kiểm tra thực tế toàn bộ lô thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm có xuất xứ từ Brazil đã về đến cửa khẩu trước ngày 23/3/2017.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm được phải thực hiện lưu giữ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Bộ Tài chính cam kết phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Brazil và các nước khác để có biện pháp kiểm soát phù hợp. ​

Minh Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Giá dầu thô mất đỉnh 1 tháng

Kết phiên giao dịch hôm thứ Tư, giá dầu mất đỉnh một tháng do trữ lượng dầu thô Mỹ bất ngờ tăng mạnh lên mức cao kỷ lục.

Trong phiên giao dịch đầu sáng ngày hôm qua, giá dầu tiếp tục trên đà tăng rồi bất ngờ giảm sau khi chính phủ Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về trữ lượng dầu thô của quốc gia này. Theo đó, trữ trữ lượng dầu thô Mỹ đã tăng thêm 1,6 triệu thùng. Các chuyên gia phân tích trước đó kỳ vọng trữ lượng dầu sẽ giảm 435.000 thùng.

Giá dầu Brent được giao dịch ở mức 54,39 USD/thùng sau khi chạm đỉnh kể từ hôm 8/3 là 55,09 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ tăng 12 cent lên mức 51,15 USD/thùng. Trước đó, giá dầu thô Mỹ đạt mốc cao nhất trong phiên là 51,88 USD/thùng.

Hôm thứ Ba, giá dầu thô tăng sau khi Viện Dầu khí Mỹ thông báo trữ lượng dầu thô giảm hơn 1,8 triệu thùng so với mức dự kiến vào tuần trước.

Những nỗ lực của OPEC và một số nước ngoài OPEC đã khiến giá dầu Brent phục hồi từ mức thấp nhất trong vòng 12 năm vào năm ngoái là 27 USD/thùng mặc cho sản lượng dầu thô Mỹ liên tục tăng.

Tháng Mười Hai năm ngoái, OPEC và 11 quốc gia khác bao gồm Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 1,8 triệu thùng/ngày. Trong đó, OPEC đăng ký cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày và khoảng 600.000 thùng/ngày đối với các nước ngoài OPEC.

Cùng lúc đó, Ả-rập Saudi đã cắt giảm giá dầu thô nhẹ tháng Năm đối với thị trường châu Á trong khi tăng giá đối với thị trường Mỹ.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Đọc tiếp »

Ngành chăn nuôi đang phát triển quá “nóng”

Hiện nguồn cung của ngành chăn nuôi trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ của thị trường khiến giá các sản phẩm giảm mạnh. Điều này đang khiến các hộ chăn nuôi lâm rơi vào tình trạng thua lỗ.

Cung vượt quá cầu

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nguồn cung của ngành chăn nuôi trong nước đặc biệt là các sản phẩm như thịt, trứng đang có dấu hiệu dư thừa dẫn tới giá cả giảm mạnh trong thời gian qua.

Theo ông Chinh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự phát triển quá nhanh của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, với sản lượng thức ăn chăn nuôi lên tới 5,02 triệu tấn (số liệu năm 2016), tính trung bình cứ 3 kg thức ăn chăn nuôi sản xuất được 1 kg thịt thì tổng cung lên tới gần 1,7 triệu tấn thịt. Tổng nhu cầu trong nước hiện tại không đạt đến mức đó. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Mỗi năm chúng ta sản xuất hơn 2 triệu con lợn, đây là một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn bị dư thừa.

Nhận định về nhu cầu trong nước, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, một tín hiệu tích cực trong năm nay là trong 2 tháng đầu năm số lượng NK tất cả các sản phẩm chăn nuôi đều thấp hơn năm ngoái. Ví dụ, thịt lợn 2 tháng NK 1.667 tấn, thấp hơn năm ngoái 25%; thịt gà NK 14.970 tấn, thấp hơn năm ngoái 30%, thịt bò không xương 163 tấn, có xương 6.454 tấn, giảm hơn 25,2% so với năm ngoái.

Tuy tình trạng dư thừa nguồn cung và việc khó khăn trong khâu tiêu thụ lại xuất hiện do thương lái Trung Quốc bất ngờ dừng mua đã dẫn đến giá thịt lợn hơi sụt giảm sâu trong những tháng đầu năm, người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Hiện tại, giá thịt lợn đang tăng dần trở lại dần tiệm cận với giá thành chăn nuôi (36.000 - 37.000 đồng/kg), do đó phần lớn người chăn nuôi chưa dám tăng đàn vào thời điểm này. Mặt khác tuy bị thua lỗ nhưng các hộ gia trại và trang trại vẫn cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn do chuồng trại và con giống có sẵn, chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ sau khi xuất chuồng bị thua lỗ mới giảm đàn. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước tăng khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng dư thừa trong dân vẫn rất lớn.

Đối với gà công nghiệp lông trắng, vào thời điểm đầu năm giá giảm sâu do tăng đàn quá nhanh và Trung Quốc hạn chế nhập khẩu bởi e ngại dịch cúm A/H7N9, tuy nhiên từ cuối của tháng 3/2017, giá mặt hàng này đã có dấu hiệu hồi phục do không phải cạnh tranh với gà nhập khẩu từ Mỹ (do nước này đang có dịch cúm gia cầm).

Đề nghị ngừng cấp phép

Bàn về những giải pháp để khắc phục tình trạng rớt giá của các sản phẩm chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho rằng với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thịt, trứng, sữa trong nước đang vượt sức tiêu thụ trong nước, chúng ta phải hướng tới XK hoặc phải có biện pháp hành chính để giảm tốc độ lại, không những để giải quyết bài toán kinh tế mà tình trạng phát triển nóng này về lâu về dài còn liên quan tới môi trường.

“Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng bằng nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là xúc tiến thương mại sẽ giải quyết được sản lượng thịt lợn dư thừa, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc là giải pháp hàng đầu hiện nay. Và trong lúc vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi theo hướng XK bền vững, Cục Chăn nuôi đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương ngừng cấp phép xây dựng mới các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, qua đó phần nào giảm được lượng sản xuất thịt hiện nay.

Theo ông Tống Xuân Chinh, ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước cần đẩy nhanh nội lực, sử dụng thức ăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành, tăng quy mô. Theo ông, năng lực sản xuất so với giá thành của Việt Nam còn thế yếu so với các nước khác. Việt Nam tuy có sản lượng thịt lợn cao nhưng chi phí sản xuất lớn, giá thành cao nên khó cạnh tranh.

Hiện giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới như Mỹ, Brazil... Vì vậy, các doanh nghiệp có thị trường, có kiến thức quản lý và vốn phải là đầu tàu tạo ra liên kết sản xuất cho bà con nông dân, tạo thành tổ đội, liên minh HTX để giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo đầu ra, an toàn thực phẩm, môi trường...

Thực tế trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những động thái nhằm “hãm bớt” lại tốc độ sản xuất lợn. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các tỉnh rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Hạn chế mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái. Đồng thời đề nghị các địa phương dừng tất cả các dự án xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mới...

Tuy nhiên về lâu dài, ông Chinh cho biết cần đổi mới quy hoạch ngành chăn nuôi. Quan trọng là phải giám sát được quy hoạch, bởi nếu không giám sát được sẽ lại xảy ra tình trạng khi giá cao thì sản xuất ồ ạt, đến khi giá giảm thì thiệt hại nặng nề.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết thêm, trong tháng 5 tới sẽ có đoàn của Bộ sang Trung Quốc xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam và Trung Quốc buôn bán các sản phẩm có thế mạnh của hai nước. Hy vọng đây là hướng mở ra tạo thêm các kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững cho sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Theo Xuân Thảo

Hải quan

Đọc tiếp »

Tạm giữ 5 tấn phân bón không rõ nguồn gốc

Phát hiện xe tải có điểm nghi vấn, lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện 5 tấn phân bón nghi giả trên xe.

Sáng 5/4, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long phối hợp với cảnh sát kinh tế công an tỉnh Vĩnh Long bất ngờ kiểm tra xe tải mang biển số 63K-5161 đang lưu thông hướng về bến phà Đình Khao (thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) vì phát hiện có dấu hiệu nghi vấn.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có 5 tấn phân bón không rõ nguồn gốc.

Thông tin ban đầu, tài xế vận chuyển số hàng không rõ nguồn gốc trên là Phan Văn Cường (39 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Cường khai nhận đang chở hàng cho ông Nguyễn Phước Quang (ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Theo Minh Hoa

Báo Giao thông

Đọc tiếp »

Người trồng điều thất thu, doanh nghiệp 'đói' nguyên liệu

Vụ điều năm nay, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thất thu nặng do ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh.

Hiện nay, điều được giá (trên 40.000 đồng/kg), nhưng các nhà vườn lại không có để bán, kéo theo các cơ sở chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh trong tình trạng “đói” nguyên liệu.

Vườn điều của gia đình anh Phạm Văn Tuyển, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc năm nay chỉ có một số cây được trái, mà số lượng cũng rất ít. Theo anh, vườn điều của gia đình có diện tích 7 sào, nếu như vụ trước thu về 1,5 tấn thì sau khi trừ chi phí anh còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng vụ điều năm nay có thể thiệt hại gần 70% do bông bị khô héo quắt khiến số trái đậu được rất ít. “Giá điều năm nay tăng cao hơn so với mọi năm khiến người trồng điều chúng tôi rất xót xa vì không có điều để bán”, anh chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Đình Dự, ấp Nhân Đức, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cũng trong hoàn cảnh tương tự. Vườn điều 1,5 ha của gia đình cũng chỉ có lác đác vài trái trên cây. Nếu như vụ điều năm ngoái ông thu hoạch được 3 tấn thì năm nay chỉ thu về được gần 1 tấn. Ông cho biết, mảnh đất của gia đình trồng điều là vùng đất cát, thiếu nước, không một loại cây trồng nào “trụ” được ngoài cây điều, nên đến giờ ông vẫn “chung thủy” với loại cây này. “Nếu có đủ nước tưới, tôi đã chuyển qua trồng thanh long rồi”, ông cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến thời điểm này diện tích điều của tỉnh đang giảm mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 10.000 ha, trong đó gần 9.700 ha cho thu hoạch, số diện tích điều trồng mới rất ít, hầu như không có. Vụ điều năm nay do thời tiết mưa trái vụ cùng các loại sâu bệnh như: bọ xít muỗi, bệnh thán thư... khiến năng suất cũng như chất lượng hạt điều giảm rõ rệt.

Anh Lý Tú, trợ lý của doanh nghiệp tư nhân Tiến Lợi, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cho biết: “Vụ này, điều đồng loạt mất mùa nên từ đầu vụ đến nay doanh nghiệp thu mua không được bao nhiêu. Năm nay, không chỉ nông dân mà thương lái cũng thất thu vì hạt điều giảm mạnh về sản lượng và chất lượng”.

Hiện nay, mỗi ngày doanh nghiệp cần khoảng 6 tấn điều để sản xuất, nhưng tìm mua khắp nơi trên địa bàn huyện cũng chỉ thu mua được từ 4 - 5 tấn. Giống như mọi năm doanh nghiệp tìm mua hạt điều tươi từ Bình Thuận, song năm nay vùng nguyên liệu này cũng bị thất thu, chất lượng hạt không đảm bảo. Trong khi đó, giá thành hạt điều nhập khẩu dù rẻ hơn hạt điều trong nước, nhưng chất lượng không đảm bảo.

Theo ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, những năm qua do giá trị kinh tế từ cây điều không ổn định nên người dân đã ồ ạt chặt đi để đầu tư trồng tiêu mang lại hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp địa phương chưa có định hướng phát triển lâu dài đối với loại cây này nên diện tích ngày càng giảm mạnh.

Ông Uy cho biết, trung bình doanh thu của công ty đạt khoảng 20 triệu USD/năm nhờ xuất khẩu hạt điều, nhưng hầu hết nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài như: Ghana, Campuchia… do sản lượng ở địa phương quá ít. Cụ thể, diện tích điều trên địa bàn huyện Châu Đức là 2.140ha, năng suất 0,7 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1.500 tấn, trong khi nhu cầu của công ty từ 400 - 500 tấn/tháng.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40%, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm tránh những rủi ro và biến động của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho bà con; triển khai mô hình thâm canh cây điều có năng suất tăng 40% và đạt 3,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng từ 50 - 70 triệu đồng/ha so với giống điều cũ; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bảo vệ thực vật trên cây điều…

Theo Hoàng Nhị

TTXVN

Đọc tiếp »

Ấn Độ miễn thuế cho 500.000 tấn đường nhập khẩu

Động thái miễn thuế cho 500.000 tấn đường lần này được xem là nỗ lực của Ấn Độ trong việc lấp đầy lỗ trống thâm hụt nguồn cung nội địa.

Giá đường thô tăng mạnh 5% từ mức thấp nhất trong vòng 11 tháng trước thông tin Chính phủ Ấn Độ thông qua đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với 500.000 tấn đường. Thông tin này được nhiều nhà sản xuất ngành đường chờ đợi từ rất lâu.

Ngân hàng Commerzbank nhận định đây là động thái của Chính phủ nhằm đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài khiến sản lượng đường bị ảnh hưởng dẫn đến thâm hụt nguồn cung đường nội địa trong suốt 7 năm.

Lệnh miễn thuế nhập khẩu đường này sẽ có hiệu lực đến 12/6 năm nay. Giá đường kỳ hạn tháng Năm trên sàn giao dịch New York tăng 3,2% từ mức 16,67 cent/pound trong phiên giao dịch trước lên mức 16,95 cent/pound sau khi thông tin trên được công bố.

Cùng lúc đó giá đường kỳ hạn trên sàn London tăng 2% lên mức 473,5 USD/tấn.

Từ trước đến nay, Ấn Độ được biết đến là quốc gia xuất siêu đường. Tuy nhiên, đợt hạn hán vừa qua khiến vụ mùa mía đường của quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề.

Hầu hết các nhà phân tích thị trường trong đó có cả các thành viên thuộc hiệp hội nhà máy đường Ấn Độ đều nhận thấy rõ mức thâm hụt nguồn cung lớn trong năm nay với sản lượng đường chỉ đạt 20 triệu tấn trong khi nhu cầu thị trường là 25 triệu tấn. Do đó, Chính phủ buộc phải nhập khẩu và hạ thuế đường nhằm tránh tình trạng giá tăng đột biến.

Tuy nhiên, cho đến tận lúc này, Chính phủ Ấn Độ dường như vẫn có vẻ miễn cưỡng thực hiện những biện pháp trên mà thay vào đó kiểm soát giá bằng cách đưa ra các dự báo về sản lượng đường tăng cũng như tiêu thụ đường giảm do thuế đánh lên các mặt hàng nước ngọt tăng.

Động thái miễn thuế cho 500.000 tấn đường lần này được xem là nỗ lực của Ấn Độ trong việc lấp đầy lỗ trống thâm hụt nguồn cung nội địa.

Chuyên gia môi giới Marex Spectron cho biết có thể Ấn Độ sẽ nhập khẩu lô hàng này theo từng đợt nhỏ thay vì nhập về cùng một lúc nhằm tránh làm "lũng loạn" thị trường đường trong nước.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Đọc tiếp »

Giá dầu gần chạm đỉnh 1 tháng

Kết phiên giao dịch ngày hôm qua (6/4) giá dầu tăng 1%, tuy nhiên các chuyên gia phân tích vẫn thận trọng với trữ lượng dầu thô Mỹ cao kỷ lục.

Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 58 cent, tương đương 1,07% lên mức 54,94 USD/thùng. Giá dầu WTI kỳ hạn tăng 1,08% tương đương 55 cent đạt 51,7 USD/thùng. Mức giá dầu WTI cao nhất trong phiên giao dịch hôm thứ Năm là 51,82 USD/thùng.

Giá dầu thô trên đà phục hồi trở lại từ mức giảm sâu hồi tháng Ba. Mỹ đang tăng cường các hoạt động lọc dầu do mùa hè đang đến gần kéo theo trữ lượng xăng giảm.

Tuy nhiên dữ liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy trữ lượng dầu thô của nước này đang ở mức cao kỷ lục.

Hôm thứ Tư, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ vừa công bố trữ lượng dầu thô đã tăng thêm 1,57 triệu thùng nâng tổng lượng dầu thô trong kho lên tới 535,5 triệu thùng.

Hoạt động khai thác dầu thô Mỹ tăng 52.000 thùng/ngày lên mức 9,2 triệu thùng/ngày. Lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục, 1,1 triệu thùng/ngày. Hầu hết số dầu này được xuất sang thị trường châu Á do các thương gia nhận thấy dấu hiệu của việc thắt chặt thị trường dầu do những nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC.

Theo Đức Quỳnh

Người Đồng hành

Đọc tiếp »

Gần 100% ô tô bán tải nhập từ Thái Lan, giá trung bình 19 nghìn USD/chiếc

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, cả nước đã nhập khẩu 3,9 nghìn chiếc xe bán tải nguyên chiếc với mức giá bình quân hơn 19 nghìn USD/chiếc.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/3/2017 cả nước nhập khẩu 3,9 nghìn chiếc xe bán tải nguyên chiếc (xe pickup), trị giá 76 triệu USD, tăng nhẹ 0,8% về lượng, giảm nhẹ 1,7% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016. Trong năm 2017, xe bán tải được nhập về Việt Nam có mức giá bình quân theo khai báo hơn 19 nghìn USD/chiếc.

Tính đến ngày 15/3/2017, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận xe bán tải được nhập chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan chiếm 99,6% trong tổng lượng xe bán tải nhập khẩu của cả nước. Tương tự, trong năm 2016 xe bán tải có xuất xứ Thái Lan chiếm chủ yếu với 26,8 nghìn chiếc, chiếm 99,9%; trong năm 2015 là 19,4 nghìn chiếc, chiếm 99,99%.

Ngoài ra, cũng theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan đến ngày 15/3/2017 cả nước nhập khẩu 6.425 chiếc xe vận tải các loại (không bao các xe chuyên dụng) trị giá 128 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016.

Minh Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Cảnh báo tình trạng rầm rộ nuôi cá tra

Do nguồn cung cá tra phục vụ chế biến xuất khẩu khan hiếm đã đẩy giá sản phẩm này tăng mạnh và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hiện giá cá tra nguyên liệu dao động 25.000-26.000 đồng/kg, người nuôi đã có lãi 500-1.000 đồng/kg. Do có lời nên nhiều người đang đầu tư mạnh phát triển diện nuôi và đẩy giá cá tra giống tăng 1,5-2 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cảnh báo người nuôi cần hết sức tỉnh táo, hạn chế rầm rộ phát triển diện tích nuôi cá tra để tránh những thiệt hại như các vụ nuôi vừa qua. “Những cơ sở nuôi cá trở lại nên liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tránh tình trạng cung vượt cầu. Khi mua con giống phải chọn nơi tin cậy và phải được kiểm dịch” - ông Hòe khuyến nghị.

Theo Quang Huy

Pháp luật TPHCM

Đọc tiếp »

Sẽ siết hạn ngạch nhập khẩu muối

Thông tin từ Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã thông qua hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối công nghiệp là 102.000 tấn từ đầu tháng 3 vừa qua. Theo đó, từ ngày 1/7 tới các doanh nghiệp được phép nhập khẩu muối theo lượng hạn ngạch này.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, dù nhu cầu nhập muối công nghiệp rất lớn, nhưng vẫn phải siết hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối để không gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất muối trong nước.

Hiện hạn ngạch nhập khẩu muối là 102.000 tấn, nhưng thực tế, số lượng muối được cấp phép nhập khẩu có thể thấp hơn nhiều so với hạn ngạch.

Dự kiến, Cục chỉ cấp khoảng 40%, tương ứng khoảng 40.000 tấn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua muối trong nước.+

Theo Thanh Thúy

Tiền phong

Đọc tiếp »

Kiểm tra chặt xuất xứ ô tô nguyên chiếc nhập khẩu

Đây là yêu cầu của Tổng cục Hải quan với cục hải quan các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, lưu ý kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng các quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn về Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và các quy trình kiểm tra xác định xuất xứ ban hành kèm theo Quyết định 4286/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Theo đó, trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu (như có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ khai báo trên C/O hay qua kiểm tra thực tế phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác với khai báo, quy định về vận chuyển trực tiếp…), các cục hải quan tỉnh, thành phố phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh.

Trong thời gian chờ kết quả xác minh, hàng hóa nhập khẩu không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt mà áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi MFN.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tiến hành rà soát C/O của các lô hàng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đã cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ ngày 1/1/2017 đến nay. Nếu có dấu hiệu vi phạm, chủ động tổ chức kiểm tra sau thông quan và báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan.

Theo Thu Trang

Chinhphu.vn

Đọc tiếp »