Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Đề nghị tiếp tục cho tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp với quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.

Ngày 4/5, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn về vấn đề đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất theo Công văn số 3825/VPCP-V.I.

Văn bản bày tỏ sự lo ngại của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lá hợp pháp tại Việt Nam trước những hệ lụy nghiêm trọng của việc thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội đại hoặc tái xuất.

Các doanh nghiệp thuốc lá cho rằng, việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp với quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.

Hiệp hội này dẫn chiếu theo quy định tại Điều 15 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 và điều 22 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, thuốc lá được tiêu thụ hợp pháp tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện: Ghi nhãn bằng tiếng Việt; in cảnh báo sức khỏe bằng cả chữ và hình ảnh (theo quy định phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá); dán tem hoặc in mã số, mã vạch; phải được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Việt Nam; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá.

Trong khi đó, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu không phải đáp ứng tất cả những yêu cầu chặt chẽ nêu trên, mà vẫn được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa như thuốc lá hợp pháp là không phù hợp với các quy định hiện hành.

“Cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam”, văn bản của Hiệp hội nêu rõ.

Theo đó, hệ lụy có thể nhận thấy ngay từ những phân tích nói trên là sức khỏe cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng. Ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu một khoản đáng kể khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, do thuốc lá lậu bị tịch thu không đóng bất kỳ một khoản thuế nào nhưng vẫn được tiêu thụ chỉ thông qua bán đấu giá.

Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng của thuốc lá nhập lậu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa.

Hơn nữa, việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển…

Từ những phân tích trên Hiệp hội này cho rằng, việc cho phép tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu không đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn, không đảm bảo hiệu quả. Việc tái xuất chỉ làm tăng nguy cơ tái thẩm lậu, tạo điều kiện để thuốc lá nhập lậu được đưa trở lại Việt Nam một cách dễ dàng hơn và vô hiệu hóa công sức chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.

Xét về mặt pháp lý tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là không phù hợp với quy định của Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Vì vậy, để hạn chế thất thu ngân sách quốc gia, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các doanh nghiệp thuốc lá Việt Nam khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp tục duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thay vì thực hiện bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

Trước đó, ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3825/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Theo đó, đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.

Theo Phan Thu

Hải quan

Đọc tiếp »

Biện pháp nào quản lý phân bón giả, kém chất lượng?

Cần có quy chuẩn rõ ràng trong sản xuất phân bón, doanh nghiệp nào đạt được quy chuẩn mới được phép sản xuất.

Tại Hội nghị lấy ý kiến của các đại biểu tại khu vực phía Nam góp ý dự thảo Nghị định quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202 của Chính phủ cuối tuần vừa qua, đa số ý kiến đều nhất trí với các nội dung được nêu trong dự thảo của Nghị định.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng có ý kiến về công tác quản lý, khảo nghiệm. Đề nghị nêu rõ, bổ sung cụ thể trình độ chuyên ngành; nêu rõ điều kiện phòng cháy chữa cháy ở cửa hàng mua bán trong sản xuất đóng gói và mua bán; phân loại rõ thế nào là phân bón khác, thế nào là phân vô cơ, phân hữu cơ… để dễ quản lý.

Các đại biểu cũng đề xuất tăng quy mô sản xuất lớn và giảm sản xuất nhỏ lẻ phân bón, cần quy định cách đặt tên cho sản phẩm, tránh trường hợp quá nhiều tên thương phẩm; Tăng thời hạn cấp giấy chứng nhận để khuyến khích thương hiệu có uy tín ko phải xin cấp lại giấy phép nhiều lần.

Đại biểu Lâm Thị Thanh Thủy cho rằng, cần quản lý phân bón từ gốc, tuy nhiên hiện nay không có một quy chuẩn nào rõ ràng cho phân bón, phân đa lượng, phân phức hợp, phân hỗn hợp…

“Cần phải có quy định doanh nghiệp nào đạt được quy chuẩn mới được phép sản xuất. Đối với một số loại phân bón đặc thù, cũng có thể quản lý như thực phẩm chức năng dành cho con người, phải có ứng xử đặc thù riêng mới được đưa ra sản xuất và kinh doanh”, bà Thủy cho biết.

Nghị định số 202 về quản lý phân bón lần này có 55 điều, 9 chương và 6 phụ lục, trong đó có bổ sung thêm nhiều mục mới. Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón tại khu vực phía Nam, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp lại để hoàn chỉnh Nghị định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, hội nghị đã tiếp thu 11 ý kiến của các tỉnh và trên 20 ý kiến của các doanh nghiệp.

“Chúng ta cũng chia sẻ khó khăn bức xúc của các doanh nghiệp, địa phương trong thời gian vừa qua đối với lĩnh vực phân bón. Những ý kiến, kiến nghị từ hội nghị sẽ được tiếp thu để làm cơ sở trong quá trình chỉnh sửa tiếp theo”, ông Doanh nói./.

Theo Tiến Dũng

VOV

Đọc tiếp »

Nhiều mối nghi ngại về triển vọng của ngành dầu khí thế giới

Báo cáo kết quả kinh doanh nhìn chung khả quan của các tập đoàn dầu khí hàng đầu ở Mỹ và châu Âu trong quý đầu năm 2017 cho thấy tác động của sự hồi phục của giá dầu cũng như hiệu quả của chính sách cắt giảm chi phí trong thời gian qua.

Sau hơn hai năm đối phó với các vấn đề tài chính, các công ty dầu khí đã từng bước phục hồi. Hiện nay, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Royal Dutch Shell (Anh/Hà Lan), ExxonMobil (Mỹ) và Total (Pháp) đã có thể đảm bảo thanh toán cho các khoản chi đầu tư và cổ tức.

Tuy nhiên, ngành dầu khí vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trước mắt cũng như trong dài hạn. Điều này phần nào được phản ánh qua việc giá dầu thô gần đây giảm xuống dưới 50 USD/thùng, do thị trường lo ngại về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Thậm chí trong tuần qua, tập đoàn dầu khí BP của Anh đã thừa nhận rằng giá dầu rất có thể sẽ chỉ dao động quanh ngưỡng 50-55 USD/thùng trong năm 2017, trong bối cảnh lượng dầu mỏ tồn kho vẫn ở mức cao, còn các công ty Mỹ có chiều hướng gia tăng sản lượng.

Ông Anish Kapadia, chuyên gia phân tích của công ty Tudor Pickering Holt, cho biết nợ ròng của các công ty dầu mỏ lớn giảm chưa nhiều. Thị trường vẫn đang chờ những tín hiệu đáng tin cậy về khả năng các công ty này có thể đảm bảo thanh toán cổ tức và chi tiêu đầu tư với mức giá dầu hiện tại.

Trong khi đó, các công ty dầu mỏ đã cố gắng trấn an các cổ đông và nhấn mạnh cam kết sẽ thực hiện các nguyên tắc đầu tư và kiểm soát chi phí. Tập đoàn dầu khí Shell hồi tuần trước cho hay chi phí đầu tư của họ trong năm nay sẽ giảm khoảng 4 tỷ USD so với mức tổng đầu tư 25 tỷ USD trong năm 2016, trong khi tập đoàn dầu khí Statoil (Na Uy) cho biết đầu tư của họ sẽ được duy trì ổn định ở mức 11 tỷ USD.

Các khoản đầu tư mới của các tập đoàn dầu mỏ hiện chủ yếu tập trung vào nhóm dự án dầu khí ngắn hạn với triển vọng thu hồi vốn trong một vài năm, thay vì tập trung vào các dự án dài hạn tốn kém, nhiều rủi ro và thời gian hoàn vốn trên 10 năm.

Với chiến lược nói trên, tổng đầu tư của hai tập đoàn dầu mỏ của Mỹ là ExxonMobil và Chevron đã giảm mạnh so với năm 2014 dù rằng cả hai vẫn đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu đá phiến vốn có chi phí thấp hơn ở khu vực Permian Basin thuộc bang Texas và New Mexico của Mỹ. Trong kế hoạch phát triển tới năm 2020, Chevron dự kiến sẽ đầu tư 17-22 tỷ USD mỗi năm, giảm tương đối nhiều so với mức đầu tư 41,9 tỷ USD hồi năm 2013.

Trong khi đó, hiện cũng có những dấu hiệu cho thấy các tập đoàn dầu mỏ đang đầu tư trở lại vào các dự án lớn hơn. Chẳng hạn, BP xúc tiến đầu tư vào dự án phát triển mỏ Mad Dog 2 trị giá 9 tỷ USD ở Vịnh Mexico.

Chuyên gia Angus Rodger thuộc Công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie cho hay số dự án mới được thông qua trong năm 2017 sẽ đạt con số 20, tăng so với số 9 dự án trong năm 2016, song mới chỉ bằng một nửa mức trung bình 40 dự án được thông qua mỗi năm trong thời gian từ năm 2010 đến 2014. Việc chưa thể khôi phục được mức đầu tư trước đây vào các dự án mới đã làm dấy lên những mối nghi ngại vào triển vọng của ngành dầu mỏ trong dài hạn.

Nhà phân tích Alastair Syme thuộc Citigroup lưu ý rằng Shell quá phụ thuộc vào việc gia tăng dòng tiền mặt và hạn chế đầu tư trong bối cảnh giá dầu thấp có nguy cơ khiến Shell đầu tư ít cho tương lai.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần trước cảnh báo rằng đầu tư ở mức thấp lịch sử có nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung vào năm 2020. Nhà phân tích Kapadia thuộc Tudor Pickering Holt lưu ý rằng hạn chế đầu tư có thể dẫn đến chu kỳ giá dầu thô sụt giảm vào đầu năm 2020.

Yếu tố được nhìn nhận có thể tạo nên sự khác biết đối với các chu kỳ biến động của giá dầu trong các giai đoạn trước đây là sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

Scott Sheffield, Giám đốc điều hành Pioneer Natural Resources, một trong những công ty sản xuất dầu đá phiến hàng đầu của Mỹ, tin rằng Permian Basin có thể sản xuất 8-9 triệu thùng/ngày, so với 2,4 triệu thùng/ngày hiện nay. Ông dự báo rằng mức sản lượng này có thể khiến giá dầu toàn cầu trên đà giảm trong nhiều năm tới.

Nhà phân tích năng lượng Philip Verleger cho rằng đây là tin không vui đối với các công ty sản xuất dầu mỏ lớn bên ngoài nước Mỹ vào thời điểm ngành dầu mỏ đối mặt với những mối đe dọa cạnh tranh mới trước sự phát triển của năng lượng tái tạo và ôtô điện./.

Theo TTXVN

Vietnam+

Đọc tiếp »

Heo rớt giá thảm hại, thịt gà lại tăng giá mạnh

Trong khi giá heo hơi xuống mức thấp kỷ lục khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức phải đứng ra “giải cứu” thì thời gian gần đây, giá gà công nghiệp lông trắng và gà lông màu liên tục tăng giá và đang ở mức khá cao.

Cụ thể, giá thu mua gà lông màu tại các tỉnh phía Nam đã tăng khoảng 4.000 – 7.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 4.2017 và tăng khoảng 15.000 – 18.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 3.2017.

Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, giá gà hiện đạt 33.000 – 34.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh ĐBSCL, giá gà được bán với giá 34.000 – 35.000 đồng/kg. Đồng thời, giá thu mua gà lông trắng ổn định ở mức giá khá cao là 34.000 – 35.000 đồng/kg tại các tỉnh Đông Nam Bộ và 33.000 – 34.000 đồng/kg tại các tỉnh ĐBSCL.

Giá thu mua gà ta tại Đồng Nai hiện ổn định ở mức 60.000 – 62.000 đồng/kg; Vĩnh Long 75.000 đồng/kg; An Giang 90.000 đồng/kg (bán buôn)…

Nguyên nhân khiến giá gà tăng mạnh là do thời tiết thất thường khiến gà chậm lớn, năng suất không ổn định. Giá gà tăng còn do một số công ty chăn nuôi lớn chuyên cung cấp lượng gà lớn cho thị trường sau thời gian lỗ nặng đã giảm đàn. Ngoài ra, việc tạm ngưng nhập khẩu gà từ Mỹ cũng khiến giá gà trong nước tăng giá.

Trước đó, đầu tháng 3.2017, giá gà công nghiệp lông trắng đã giảm sâu dưới mức giá thành là 17.000 – 19.000 đồng/kg. Giá gà giảm mạnh do người nông dân tăng đàn quá nhanh và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số địa phương nên người tiêu dùng e ngại khi dùng sản phẩm gia cầm.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thịt gà sau Tết có giảm so với trước và trong Tết, trong khi lượng cung vẫn nhiều nên mất cân đối cung cầu. Đặc biệt, thông tin thịt gà nhập khẩu chỉ bán dưới 20.000 đồng/kg cũng khiến giá gà trong nước “lao đao”.

Được biết, sản phẩm thịt gà công nghiệp như đùi tỏi gà, đùi gà góc tư, cánh gà, gà Mỹ nguyên con được nhập ồ ạt về Việt Nam với giá siêu rẻ, chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg khiến giá gà công nghiệp lông trắng của Việt Nam giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ hàng tỉ đồng.

Do đó, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu gia cầm, các sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ bang Wisconsin và Tennessee của Hoa Kỳ kể từ 10.3 với lý do đang có dịch cúm gia cầm độc lực cao H7 và cúm gia cầm độc lực thấp H5N2.

Theo Phan Diệu

Một thế giới

Đọc tiếp »

Đề xuất cấm heo không 'lai lịch' vào thành phố

Heo mảnh không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện có thể sẽ không được vận chuyển đưa vào TP.HCM.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết đến nay đã có 821 siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM và các tỉnh bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, hai chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và 146 gian hàng kinh doanh thịt thuộc hệ thống Vissan ở 23 chợ truyền thống đã bán thịt heo truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc miếng thịt heo.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương TP.HCM, tại hệ thống bán lẻ truyền thống việc truy xuất nguồn gốc thịt heo gặp khó khăn.

Nguyên nhân do số lượng đối tượng tham gia chăn nuôi, thu mua, giết mổ phân phối đa số là hộ gia đình. Tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ hoặc thương lái không có đăng ký kinh doanh và mua bán tự phát, không tích cực tham gia thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, công tác phối hợp với các địa phương còn khó khăn, một số tỉnh, thành chưa tích cực phối hợp triển khai. Dẫn đến tình trạng thông tin từ khâu chăn nuôi giết mổ vận chuyển về TP không được kết nối. Điều này dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc bị gián đoạn gây hiểu lầm là việc truy xuất nguồn gốc chỉ mang tính hình thức, lãng phí không hiệu quả.

Từ đó, Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị TP thống nhất với các tỉnh áp dụng đồng bộ quy định đối với heo đưa vào TP. Theo đó, tại cơ sở giết mổ, cơ quan thú y kiên quyết không cho xuất heo mảnh không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện, vòng niêm xe để đưa vào TP.

Tại hai chợ đầu mối, cơ quan thú y, Ban An toàn thực phẩm và ban quản lý chợ kiên quyết không cho nhập heo mảnh vào chợ để kinh doanh nếu các mảnh heo không có thông tin truy xuất nguồn gốc…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, kiến nghị thời gian tới, TP phối hợp với các tỉnh tập trung rà soát, vận động có trọng điểm các hộ chăn nuôi tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc chứ không tràn lan. Bởi ở các tỉnh đều có các cơ sở chăn nuôi đạt VietGAP nằm trong các dự án như Lipsaf thì tập trung những hộ này, chính hộ này bảo đảm nguồn heo có chất lượng nhất.

“Có giới hạn đối tượng lại như vậy thì tức khắc thương lái sẽ tìm đến trang trại này để mua những nguồn heo đạt chuẩn, mới đủ điều kiện đưa vào TP” - ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, khi làm được vậy sẽ đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất là những con heo đưa vào TP thật sự là heo từ trang trại đạt chuẩn VietGAP. Thứ hai là tạo thế chủ động cho các trang trại, thúc đẩy sự thay đổi trong quá trình chăn nuôi. Cụ thể, những hộ nào muốn đưa heo vào TP tiêu thụ thì nhanh chóng tái cơ cấu lại, chăn nuôi theo chuẩn VietGAP.

Theo Tú Uyên

Pháp luật TPHCM

Đọc tiếp »

Nhà máy 'khát' nguyên liệu sắn, mía

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn và mía đường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang gặp khó khăn về nguyên liệu.

Theo đó nguồn nguyên liệu mía cây phục vụ công nghiệp chế biến hiện chỉ đáp ứng được 1.800 tấn mía/ngày, trong khi nhu cầu của nhà máy đường là 2.200 tấn mía/ngày, thiếu 400 tấn/ngày.

Đối với nguồn nguyên liệu sắn, sản lượng toàn tỉnh năm 2016 là hơn 215 nghìn tấn sắn củ tươi, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất công nghiệp, nhưng thời gian này bị thiếu vì nhiều nhà máy đồng loạt thu mua, cạnh tranh nhau về giá cả.

Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, trước mắt các nhà máy chế biến ở Kon Tum tiếp tục thực hiện thu mua mía và sắn tại các tỉnh lân cận. Giải pháp lâu dài là tăng cường đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, nhất là cây mía và tiếp tục hỗ trợ cây giống, vật tư, phân bón,... đảm bảo sắn và mía có đầu ra ổn định.

Theo Kim Hải

Nông nghiệp Việt Nam

Đọc tiếp »

Bất chấp giá thịt lợn thấp kỷ lục, chăn nuôi gia công vẫn "sống khỏe"

Trong khi giá thịt lợn hơi đang rớt ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, làm người chăn nuôi bị thua lỗ nặng, những cơ sở chăn nuôi lợn gia công quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lại đang “sống khỏe” do thực hiện chuỗi liên kết khép kín với các công ty chăn nuôi từ khâu đầu vào đến việc bao tiêu đầu ra.

Trang trại chăn nuôi lợn rộng 2 ha của anh Nguyễn Phước Minh ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bắt đầu liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam theo hình thức nuôi gia công từ năm 2009. Trang trại có 3 dãy chuồng nuôi rộng 1.800m2 đang thả nuôi 1.000 con lợn thịt.

Theo cam kết giữa anh Minh và phía Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, chủ cơ sở chăn nuôi sẽ đầu tư xây dựng về mặt chuồng trại theo như mẫu thiết kế của phía công ty đưa ra. Phía công ty sẽ đảm bảo cung cấp các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra.

Khi lợn đến thời điểm xuất chuồng, phần lợi nhuận sẽ được chia cho người chăn nuôi, dao động từ 2.000-2.500 đồng/kg thịt hơi. Với mức thỏa thuận này, mỗi năm gia đình anh Minh cũng có thu nhập 400 triệu đồng từ việc nuôi gia công 2 lứa lợn.

Anh Nguyễn Phước Minh cho biết trước đây, gia đình cũng chỉ nuôi lợn theo quy mô gia trại khoảng hơn 10 con, thu nhập thất thường vì phụ thuộc vào giá cả thị trường, chưa kể những rủi ro khi có dịch bệnh xảy ra. Mô hình nuôi lợn gia công mặc dù phải đầu tư chi phí chuồng trại ban đầu lớn nhưng đổi lại người chăn nuôi không phải lo vấn đề đầu ra. Trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên tham gia chuỗi liên kết cũng rất rõ ràng để đảm bảo cung ứng nguồn thịt lợi ổn định, chất lượng ra thị trường.

Huyện Duy Xuyên hiện có 9 trang trại nuôi lợn gia công liên kết với các công ty chăn nuôi. Trái ngược với những trang trại nuôi gia công có đầu ra ổn định, hàng ngàn hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ của huyện Duy Xuyên lại đang lao đao, tìm cách bán tháo lợn vì giá cả xuống quá thấp, nếu giữ lợn ở trong chuồng sẽ càng lỗ vì tốn chi phí thức ăn.

Theo ông Huỳnh Văn Ánh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, giá thịt lợn hơi tại địa phương hiện nay dao động từ 28.000 đồng-30.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá cả quá thấp khiến đa phần các hộ chăn nuôi ngừng tái đàn, giá lợn giống trong dân chỉ còn 100.000 đồng/con lợn, thay vì 700.000 đồng/con lợn ở cùng thời điểm này năm 2016.

Chi cục Thú y Quảng Nam cho hay, tỉnh hiện có 45 cơ sở chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Việt Swine line theo hình thức nuôi lợn gia công, tập trung chủ yếu ở thị xã Điện Bàn, huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Hiệp Đức... Tổng đàn lợn thịt thường xuyên của các cơ sở chăn nuôi lợn gia công là gần 42.000 con, hằng năm cung ứng ra thị trường hơn 8.400 tấn thịt lợn hơi.

Để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia công, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 12/2016 QĐ-UBND về quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020.

Các cơ sở chăn nuôi gia công được hỗ trợ đầu tư tối đa bằng 60% tổng mức đầu tư nhưng không quá 2 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng xử lý chất thải, điện, nước trong hàng rào dự án. Đầu năm 2017, tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó, bố trí các khu chăn nuôi tập trung để giải quyết nhu cầu về mặt bằng đầu tư chăn nuôi quy mô lớn cho các tổ chức, cá nhân.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho biết hiện nay, nhiều công ty chăn nuôi đang có ý định mở rộng liên kết với người dân theo mô hình chăn nuôi gia công. Mô hình này có ưu điểm giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ quản lý, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, khả năng nắm bắt thị trường...

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát cũng như xử lý chất thải chăn nuôi góp phần đảm bảo yếu tố môi trường./.

Theo Đỗ Trường

Vietnam+

Đọc tiếp »

Việt Nam xuất khẩu tôm sang 68 thị trường

Top 10 thị trường xuất khẩu chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam.

Hiệp Hội chế biến xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại, chỉ đạt 618 triệu USD. Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh và thuế Chống bán phá giá vẫn duy trì khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này.

Xuất khẩu sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.

Trong quý 1/2017, Việt Nam Xuất khẩu tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.

Vị trí của top 10 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada và đứng ở vị trí thứ 7.

Vasep cho rằng, biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. Xuất khẩu tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%, trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.

Tùng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »