Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

GrowPLUS+ của NutiFood trở thành sản phẩm bán chạy số 1 Việt Nam

Vừa qua, Công ty Nielsen đã chứng nhận sản phẩm GrowPLUS+ của công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood là sản phẩm đặc trị dành cho trẻ em bán chạy số 1 Việt Nam trong toàn ngành đặc trị.

Ngành đặc trị bao gồm các sản phẩm dành cho trẻ em trong các trường hợp suy dinh dưỡng, thấp còi, biếng ăn, tăng cân khỏe mạnh, tiêu chảy, dị ứng, tiêu hóa kém..

Chứng nhận này được khảo sát trên thị trường toàn quốc trong thời gian 1 năm, từ tháng 1 năm 2016 tới tháng 12/2016 trên cả phân khúc sữa bột và sữa bột pha sẵn.

Theo chứng nhận này thì thị phần của sản phẩm GrowPLUS+ chiếm hơn 37% trong toàn phân khúc sữa bột đặc trị và hơn 38% trong phân khúc sữa bột pha sẵn, trong khi nhãn hàng đứng thứ hai trong phân khúc sữa bột chỉ chiếm hơn 20% và trong phân khúc sữa bột pha sẵn chỉ chiếm gần 17%. Kết quả này được Nielsen đo lường dựa trên thống kê từ gần 190 nhãn hàng của 15 công ty sữa nước ngoài và hơn 50 công ty sữa trong nước.

GrowPLUS+ là sản phẩm ra đời từ sự trăn trở của các chuyên gia dinh dưỡng NutiFood sau rất nhiều năm trời là bác sĩ khám và chữa bệnh cho trẻ em suy dinh dưỡng tại Việt Nam. Trong gần 5 năm trời, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm của NutiFood đã làm việc miệt mài để ngày 1/4/2012, GrowPLUS+, sản phẩm đặc trị dành cho trẻ em được tung ra thị trường. Đây là sản phẩm đặc trị dành cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi đầu tiên tại thị trường Việt Nam và cả trên thế giới.

Công ty NutiFood đã hợp tác cùng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia để thực hiện đề tài chứng minh hiệu quả sử dụng sản phẩm GrowPLUS+ lên tình trạng dinh dưỡng, miễn dịch, phát triển tâm vận động của trẻ suy dinh dưỡng thấp còi tại tỉnh Bắc Giang.

Sau 6 tháng thực hiện đề tài, các chuyên gia đã theo dõi, đánh giá và cho thấy hiệu quả cải thiện rõ rệt tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, biếng ăn, giảm tỉ lệ trẻ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên, giảm tiêu chảy, táo bón, từ đó giúp trẻ tăng cân và tăng chiều cao tốt hơn nhóm trẻ không sử dụng sản phẩm GrowPLUS+ một cách rõ rệt. Kết quả cũng cho thấy tỉ lệ các mẹ tin tưởng vào sản phẩm và cảm thấy sản phẩm phù hợp với con mình lên đến 93,4 %, trong đó 83,6% các mẹ cho rằng GrowPLUS+ làm con tăng cân và ngủ ngon hơn; 82% làm con ăn ngon hơn.

Nhờ sự “truyền miệng” từ chính các bà mẹ khi cho con sử dụng sản phẩm Grow Plus+ của NutiFood, doanh số tăng trưởng của GrowPLUS+ lúc vừa ra đời chỉ khoảng vài trăm tỷ thì đến năm 2016 đã tăng lên con số vài ngàn tỷ, tăng trên 1800%, đồng thời GrowPLUS+ cũng đạt được sự tăng trưởng đều đặn qua các năm.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT của công ty NutiFood cho biết:

Chúng tôi rất tự hào về kết quả đánh giá này vì nó cho thấy đẳng cấp của GrowPLUS+, một sản phẩm của một công ty thuần Việt đã chiến thắng sản phẩm của các công ty đa quốc gia sừng sỏ đã có mặt nhiều năm ở thị trường Việt Nam.

Chúng tôi tự hào vì từng đi qua một số nước Đông Nam Á và rộng hơn ở một số nước Châu Á chúng tôi thấy, không một sản phẩm sữa đặc trị nào của công ty địa phương có thể vượt qua sản phẩm của các công ty đa quốc gia, trừ Nhật Bản vì đó là đất nước được chính phủ bảo hộ.

Khi chúng tôi tìm hiểu thì được biết, tại nhiều quốc gia như Thái Lan, các công ty sữa địa phương đã rất nỗ lực nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm đặc trị nhưng sau đó đều thất bại, nguyên nhân chủ yếu là do người tiêu dùng thiếu niềm tin vào sản phẩm, từ đó dẫn tới tình trạng sản phẩm ra đời, không cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia và thất bại.

Trong khi đó, thành công GrowPLUS+ của NutiFood có được hoàn toàn là do niềm tin từ người tiêu dùng và hiệu quả thật sự của sản phẩm. Bằng chứng là mức độ chênh lệch giữa doanh thu của sản phẩm và ngân sách cho hoạt động Marketing là rất lớn, chi tiêu Marketing không nhiều nhưng hiệu quả truyền miệng lại cao, dẫn đến doanh thu sản phẩm tốt, đó là điều mà rất nhiều người làm trong ngành Marketing phải mơ ước. Thành công đó đến từ việc các mẹ khi sử dụng GrowPLUS+ của NutiFood cho con thấy hiệu quả lại truyền miệng cho các mẹ khác và cứ thế các mẹ “rỉ tai” nhau giúp GrowPLUS+ của chúng tôi có được kết quả như ngày hôm nay.

Thông tin xem thêm tại: http://goo.gl/087lML.

Việc tính toán các thông số trên của NutiFood dựa trên một phần dữ liệu được báo cáo của Nielsen trong phạm vi dịch vụ Nghiên Cứu Đo Lường Bán Lẻ của ngành hàng sữa bột và sữa nước, về mặt doanh thu và sản lượng (theo định nghĩa của Nielsen) trong vòng 12 tháng gần đây nhất (tháng 01/2016 đến tháng 12/2016, cho thị trường Việt Nam (kênh truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại, trừ Saigon Coop và MM Mega Market Việt Nam).

Bản quyền © 2016, công ty Nielsen.

A.D

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Giá ớt ở Tây Ninh giảm sâu

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất của tỉnh Tây Ninh với khoảng 200 ha, chủ yếu tập trung ở 2 xã Ninh Điền và xã Long Vĩnh.

Anh Trần Lê, ấp Trà Sim, xã Ninh Điền trồng 1 ha ớt cho biết, mọi năm anh thu hoạch được gần 10 tấn, nhưng đến thời điểm thu hoạch có 3-4 tấn, thậm chí có ruộng thu hoạch chỉ được 2 tấn ớt/ha do năng suất giảm 50%. Năng suất giảm, giá ớt cũng giảm mạnh khi thương lái thu mua chỉ còn 9 ngàn đồng/kg làm nông dân trồng ớt lo lắng.

“Giá ớt phải đạt từ 20 ngàn đồng/kg thì nhà nông mới có lãi”, anh Lê nói. Anh Lê chia sẻ thêm, bên cạnh giá ớt giảm mạnh, cây ớt còn bị hư hại vì bệnh bạc đầu, xấu trái, mùa vụ năm nay anh lỗ hơn 40 triệu đồng cho 1 ha ớt.

Anh Nguyễn Văn Thế, ấp Long Châu, xã Long Vĩnh cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Với 5,5 công ớt trồng mùa vụ này, cộng tiền đầu tư, tiền công hái, phân bón, chăm sóc... anh lỗ khoảng 20 triệu đồng vì ớt cho năng suất kém lại mất giá.

Theo Nhật Vy

Nông nghiệp Việt Nam

Đọc tiếp »

Australia tiếp tục nới lệnh cấm nhập khẩu tôm

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đã thông báo về việc Chính phủ Australia quyết định nới lỏng lệnh tạm dừng nhập khẩu tôm, trong đó tôm tẩm ướp và thịt tôm tẩm ướp chưa nấu chín được đưa ra khỏi lệnh tạm dừng nhập khẩu.

Bộ Công thương cho biết, phía Australia sẽ bắt đầu chấp nhận các đơn đặt hàng nhập khẩu đối với mặt hàng này từ ngày 12/7/2017 với điều kiện đáp ứng nghiêm ngặt các quy định của Australia.

Cụ thể, tôm tươi tẩm ướp phải được cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận sản phẩm tôm không mang vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh đầu vàng (YHV) và đáp ứng các yêu cầu trong dự thảo Giấy chứng nhận thú y.

Cơ quan thú y thẩm quyền của Australia sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa khẩu đối với mặt hàng này, bao gồm: Kiểm tra niêm phong kiểm dịch đối với 100% lô hàng tại nơi đến; lấy mẫu xét nghiệm WSSV và YHV đối với 100% lô hàng.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Australia đã cung cấp hướng dẫn cho các nước có nhu cầu xây dựng quy trình xét nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn được Australia áp dụng xét nghiệm tác nhân gây bệnh tại nơi hàng hoá đến.

Theo Bộ Công thương, sau 4 lần thông báo nới lỏng lệnh cấm, Chính phủ Australia đã loại trừ 7 sản phẩm tôm ra khỏi lệnh tạm dừng nhập khẩu.

Hiện nay, Chính phủ Úc đang bắt đầu qui trình rà soát lại các điều kiện nhập khẩu và sẽ xem xét các nguy cơ an ninh sinh học đối với tôm và sản phẩm của tôm dùng làm thực phẩm được nhập khẩu từ các nước. Báo cáo phân tích nguy cơ nhập khẩu tổng thể năm 2009 (tôm IRA) sẽ được rà soát lại trong đợt này và sẽ mất khoảng hai năm để hoàn thiện.

Các đối tác thương mại sẽ có cơ hội được góp ý vào dự thảo báo cáo khi dự thảo này được hoàn thiện và đăng trên trang website của Bộ Nông nghiệp Úc. Tất cả các góp ý sẽ được xem xét trong quá trình chuẩn bị báo cáo cuối cùng. Úc cũng đã thông báo cho Uỷ ban SPS của WTO về việc rà soát này (G/SPS/N/AUS/422).

Tùng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Đạt 3,9 tỷ USD, xuất khẩu điện thoại có chiều hướng giảm

Theo đó, tháng 5/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 35,2 tỷ USD, tăng 0,9% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,9% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 18 tỷ USD, tăng 3,7%.

Như vậy, hết tháng 5/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 161,28 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4%, tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 82 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2016.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5/2017 ước tính thâm hụt 800 triệu USD, bằng 4,7% kim ngạch xuất khẩu trong tháng. Tính đến hết tháng 5/2017, Việt Nam nhập siêu gần 2,7 tỷ USD, bằng 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Một điểm đáng chú ý khác là nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta bị sụt giảm về trị giá hoặc có mức tăng trưởng thấp.

Đáng kể nhất là mặt hàng điện thoại, sau 4 tháng đầu năm liên tục tăng trưởng và lập được dấu mốc xuất khẩu gần 4,4 tỷ USD chỉ trong tháng 4 vừa qua, bước sang tháng 5, nhóm hàng này có dấu hiệu đi xuống.

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 5 là 3,9 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 5/2017, trị giá đạt 16,05 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2016.

Ngoài điện thoại, các nhòm hàng chủ lực cũng có mức tăng trưởng khá thấp so với quy luật. Đơn cử như hàng dệt may ước chỉ tăng 1,4% so với tháng trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9% so với tháng trước, trong khi từ đầu năm đến hết tháng 4 nhóm hàng nay luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao 2 con số...

Theo Thái Bình

Báo hải quan

Đọc tiếp »

Lấy ý kiến điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP

Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh ban hành Bản câu hỏi điều tra áp dụng biện pháp tự vệ dành cho các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu sản phẩm phân bón DAP.

Hôm 12/5/2017, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam có mã HS là 3105.10.90; 3105.30.00; 305.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00 và 3105.90.00.

Mặt hàng phân bón bị điều tra lần này là tất cả các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%. Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như Ma-giê (Mg), Can-xi (Ca), Lưu huỳnh (S), Ka-li (K)… hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hoá học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm. Việc bổ sung các chất vi lượng là để phù hợp với từng loại đất và từng nhóm cây trồng.

Danh mục câu hỏi dành cho các nhà sản xuất nội địa trong bản điều tra lần này nhắm tới một số thông tin liên quan đến thông tin công ty, các chỉ số về số lượng, doanh số bán hàng, hệ thống phân phối, chi phí sản xuất, lợi nhuận, đầu tư và dòng tiền, lao động và tiền lương, lợi ích xã hội.

Đối với các nhà nhập khẩu, danh mục câu hỏi bao gồm các thông tin liên quan đến thông tin hoạt động kinh doanh, thông tin chung (bao gồm thông tin công ty, cơ cấu tổ chức của công ty, báo cáo tài chính, địa điểm lưu giữ tài liệu, loại hàng hóa nhập khẩu và hoạt động công ty), thông tin mua hàng thuộc đối tượng điều tra.

Trong trường hợp không tham gia trả lời bản câu hỏi điều tra, Cơ quan điều tra có thể sử dụng các thông tin sẵn có. Câu hỏi yêu cầu gửi về cho Cục quản lý cạnh tranh trước ngày 30/6/2017.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 4,15 triệu tấn phân bón, tương ứng 1,1 tỷ USD. Bộ Công Thương dự tính, chi nhập khẩu phân bón trong năm 2017 tương đương với năm 2016 ở mức 1,1 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu chính là từ Trung Quốc.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Đọc tiếp »

Giá dầu sụt mạnh vì nhà đầu tư mất niềm tin vào OPEC

“Trò chơi con gà và quả trứng giữa OPEC và Nga với thị trường đã trở lại”, một chuyên gia nhận xét...

Thị trường dầu lửa thế giới đang hoài nghi cao độ về khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga có thể đưa tương quan cung-cầu dầu về trạng thái cân bằng. Khả năng xuất hiện một làn sóng nguồn cung dầu mới từ các nhà sản xuất khác đã đẩy giá dầu giảm sâu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.

Theo tin từ CNBC, giới phân tích nói rằng các nhà giao dịch dường như đang gia tăng mạnh số vị thế bán khống dầu. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Năm, tâm lý bi quan về giá dầu gia tăng khi có tin Libya đã tăng sản lượng dầu lên mức 827.000 thùng/ngày, cao nhất trong 3 năm.

“Trò chơi con gà và quả trứng giữa họ [OPEC và Nga] với thị trường đã trở lại”, ông John Kilduff, chuyên gia thị trường dầu lửa đến từ Again Capital, phát biểu.

Giá dầu WTI giao tháng 7 tại thị trường New York, Mỹ chốt phiên với mức giảm 2,7%, còn 48,32 USD/thùng. Trong phiên, có giá dầu WTI giảm dưới ngưỡng 48 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent có thời điểm lần đầu tiên trong 2 tuần rớt dưới ngưỡng tâm lý 50 USD/thùng. Kết thúc phiên, giá dầu Brent hạ 3%, còn 50,66 USD/thùng.

Tuần trước, OPEC và Nga cùng một số nước sản xuất dầu lớn khác nhất trí gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày thêm 9 tháng. Tuy nhiên, giá dầu đã sụt 5% ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, bởi thị trường vốn kỳ vọng các bên sẽ đi đến quyết định sẽ giảm sản lượng sâu hơn.

Ông Kilduff nói rằng thị trường đã coi cuộc họp vừa rồi của OPEC là một thất bại lớn, đặc biệt là ở việc các bên không đưa ra được hạn chế sản lượng nào đối với Libya, Nigeria và Iran. Mức xuất khẩu dầu của Libya đã đạt trung bình 500.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay, so với 300.000 thùng/ngày vào năm ngoái.

Nigeria và Libya thời gian qua đã chứng tỏ là những “nhân tố bất ngờ” trên thị trường dầu lửa bởi giới phân tích không thể đoán chắc hoạt động khai thác dầu của các nước này có thể phục hồi ra sao sau thời gian bị gián đoạn bởi nội chiến.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến cũng là một “kẻ phá bĩnh” đối với thỏa thuận của OPEC và Nga.

Với công nghệ cải tiến, các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã đưa sản lượng dầu của họ lên ngưỡng của năm 2015 một cách khá dễ dàng, nhằm tranh thủ mức giá dầu 50 USD/thùng. Trừ phi giá dầu giảm mạnh, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo có thể tái lập kỷ lục vào cuối năm nay, từ mức khoảng 9,3 triệu thùng/ngày hiện nay.

Theo hãng tin Bloomberg, một nguồn cung khác có thể gây sức ép với giá dầu là dầu thô khai thác từ các giếng ở vùng biển sâu.

Bloomberg dẫn một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nói rằng việc khai thác dầu ở vùng biển sâu đang trở nên rẻ hơn nhờ các nhà sản xuất tinh giản hoạt động và ưu tiên khoan ở các giếng chính. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần giá dầu 50 USD/thùng là các giếng dầu này có thể hoạt động đến sang năm, từ ngưỡng giá cần có để hòa vốn là 62 USD/thùng vào quý 1 năm nay và mức 75 USD/thùng vào năm 2014.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Đọc tiếp »

Năm 2017 giảm gần 52 ngàn tấn điều?

Tại Hội nghị Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững mở rộng 2017, tổ chức ngày 1/6 ở TP HCM, thông tin từ Cục Trồng trọt cho hay, năng suất điều năm 2017 dự kiến chỉ đạt bình quên 0,87 tấn/ha, giảm 0,21 tấn/ha so năm 2016.

Nguyên nhân là do những tháng đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 3) có nhiều cơn mưa trái mùa xảy ra vào thời gian điều trổ hoa, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất điều.

Theo báo cáo từ các Sở NN-PTNT, tỉnh Bình Phước giảm năng suất 0,209 tấn/ha (giảm 17,41%), Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 0,18 tấn/ha (giảm 15,13%), Đồng Nai có 19.647 ha (chiếm trên 50% diện tích điều của tỉnh) giảm năng suất, Lâm Đồng giãm trên 50% năng suất điều.

Do năng suất điều ở nhiều địa phương giảm mạnh nên dự kiến trong năm 2017, sản lượng điều chỉ đạt 252.038 tấn, giảm 51.860 tấn so năm 2016.

Tuy nhiên, theo thông tin từ một số đại biểu đến từ các tỉnh trồng điều trọng điểm, tình trạng mất mùa trên thực tế còn nặng nề hơn nhiều. Như ở Bình Phước, ông Doãn Quốc Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho hay, năng suất điều tỉnh này có thể giảm 30-40%. Do đó, sản lượng điều bị giảm trên thực tế có thể cao hơn nhiều ước tính nói trên.

Theo Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm 2017, lượng nhân điều đã XK ước đạt 79 ngàn tấn, đạt giá trị 735 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều XK giảm 13,1% nhưng giá trị lại tăng 7% nhờ giá hạt điều XK tăng. Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam cho thấy, trong quý 1, giá nhân điều XK bình quân 9.279 USD/tấn, tăng 22,6% so cùng kỳ 2016.

Theo Sơn Trang

Nông nghiệp Việt Nam

Đọc tiếp »

“Cơn lốc” giảm giá ô tô đang tới

Nửa năm 2017 đã đi qua, với nhiều tác động, trong đó có việc giảm thuế NK ô tô nguyên chiếc trong khu vực (10%), giá bán nhiều sản phẩm ô tô tại Việt Nam đã giảm trông thấy.

Năm 2018, thuế NK ô tô trong khu vực giảm xuống 0%, tâm lý của số đông người tiêu dùng ngóng chờ một đợt giảm giá sâu nữa. Có hay không giấc mơ ô tô giá rẻ tại Việt Nam?

Cuộc đua giảm giá

Thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến một cuộc đua giảm giá chưa từng có của nhiều hãng xe. Cuộc đua giảm giá xe bắt đầu “nóng” vào cuối năm 2016 và kéo dài trong suốt nửa đầu năm 2017.

Trước Tết, Trường Hải “tung” ra đợt giảm giá “sốc” khi các sản phẩm mang thương hiệu Mazda giảm từ vài chục tới gần 200 triệu đồng và chương trình này kéo dài sang cả năm 2017.

Sang tháng 2/2017, bảng giá bán lẻ của 2 thương hiệu Kia và Peugeot cũng giảm đáng kể. Đơn cử Kia, mức giảm giá thấp là Morning (30 triệu đồng); mức giảm giá lớn nhất là Sedona (95 triệu đồng). Đối với Peugeot mức giảm cao nhất là Peugeot 2008 (giảm 70 triệu đồng); Peugeot 208 FL có mức giảm thấp nhất (30 triệu đồng).

Không “ngồi yên” được, tháng 2, Toyota Việt Nam (TMV), liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam, nắm quyền sản xuất, kinh doanh 2 thương hiệu ôtô du lịch lớn là Toyota và Lexus, cũng tung ra giá mới cho các mẫu xe của mình. Theo đó nhiều mẫu xe đã được giảm giá, mức giảm nhiều nhất là 164 triệu đồng cho xe Land Cruiser Prado phiên bản TX-L; 44 triệu đồng cho Yaris phiên bản E; LX570 giảm 210 triệu đồng; ES350 là 50 triệu đồng.

Các “ông lớn” giảm vậy, thị trường chịu tác động mạnh, các thương hiệu khác cũng đã có chuyển biến. Các đại lý cũng “nghiến răng” chịu lãi ít, thậm chí chấp nhận chịu lỗ để cạnh tranh.

Tháng 4, đại lý của Honda Việt Nam (HVN) quyết định giảm giá cho một số mẫu ô tô như City 2017 (từ 533 triệu đồng xuống 501 triệu đồng với số sàn, từ 583 triệu đồng xuống 551 triệu đồng số tự động); Civic (giảm từ 30 - 40 triệu đồng xuống còn 910 - 920 triệu đồng); Odyssey (giảm từ 60 - 70 triệu đồng). Các dòng xe của Toyota như Camry tiếp tục được các đại lý giảm 55 triệu đồng; Hilux giảm 15 triệu đồng; Innova giảm 30 - 40 triệu đồng; Vios giảm 20 - 25 triệu đồng. Chevrolet cũng tham gia vào cuộc đua giảm giá khi Colorado được giảm từ 30-70 triệu đồng; Aveo giảm 30 triệu đồng; Cruze giảm từ 50-60 triệu đồng; Orlando và Captiva giảm từ 15-24 triệu đồng.

Một số mẫu xe như Ford như Fiesta giảm khoảng 37 - 44 triệu đồng; Focus giảm 50 triệu đồng; Ranger cũng giảm từ 20 - 40 triệu đồng; EcoSport dao động từ 40 - 63 triệu đồng; Transit được giảm đồng loạt khoảng 50 triệu đồng cả 3 phiên bản; Everest được giảm khoảng 30 triệu đồng với cả hai phiên bản 2.2L.

Trong tháng 5 này, mẫu xe Camry của Toyota tiếp tục giảm sâu tới 90 triệu đồng. Nissan Việt Nam cũng công bố mức giảm tới 85 triệu đồng cho mẫu Nissan X-Trail, cùng gói khuyến mãi khoảng 40 triệu đồng, chưa kể những ưu đãi riêng từ các đại lý của Nissan. Mức giảm ấn tượng nhất là mẫu CR-V của Honda khi tháng 4, Honda CR-V được các đại lý giảm giá tới 110 triệu đồng, đến tháng 5 này, mẫu xe này lại được các đại lý áp dụng mức ưu đãi cao nhất với giá trị từ 90 - 115 triệu đồng.

Giảm giá bán không chỉ vì thuế

Thuế giảm không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc các hãng xe giảm giá bán. Bởi, động thái này chỉ tác động tới xe NK nguyên chiếc từ khu vực ASEAN (từ mức 40% xuống 30%) và tác động cũng không lớn. Theo tính toán, với mức giảm 10% thuế NK, giá xe chỉ giảm từ 5-7%. Nhưng nhiều mẫu xe đến nay đã giảm từ 10-15%, tức là giảm giá gấp 2 lần, so với mức giảm do thuế NK mang lại. Mặt khác, xe lắp ráp trong nước không được “hưởng lợi” gì từ việc thuế xe nguyên chiếc giảm, nhưng nhiều sản phảm lắp ráp cũng đã giảm giá bán.

Hoạt động giảm giá mạnh nhiều sản phẩm vừa qua được cho là chiến lược “lùi để tiến” của một số DN lớn đang dẫn đầu thị trường. Đơn cử như Trường Hải, để đủ điều kiện đàm phán, hợp tác sản xuất sản phẩm với Mazda, Trường Hải phải nhanh chóng đạt số lượng các mẫu xe Mazda lên con số trên 40.000 xe/năm. Giải pháp hiệu quả được DN này đưa ra đó là giảm giá bán xe. Không chỉ với Mazda, chiến lược giảm giá cũng được Trường Hải áp dụng với các thương hiệu khác mà DN này đang sở hữu là Kia và Peugeot. Năm 2016, chính sách giảm giá giúp Trường Hải vượt qua TMV trở thành hãng lớn nhất Việt Nam với mức tăng trưởng đạt tới gần 60% (trong đó Kia tăng 55%, Mazda tăng gần 58%).

Cũng tương tư như vậy Hyundai Thành Công cũng phải chịu áp lực nhanh chóng tăng số lượng, nâng thị phần để đủ “cơ” ngồi xuống đàm phán hợp tác với Hyundai đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Và Hyundai Thành Công cũng đi theo chiến lược giảm giá sản phẩm. Việc giảm giá đẩy số lượng tiêu thụ tăng nhanh, thị phần mở rộng giúp cho các DN này có điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao tỉ lệ NĐH dần tiến tới giảm chi phí sản xuất…

Tốc độ tăng trưởng của Trường Hải đương nhiên khiến TMV không thể ngồi yên, lần đầu tiên, liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam này cũng phải thực hiện việc giảm giá sản phẩm. Khi các “ông lớn” hạ giá, các hãng khác đương nhiên không thể ngồi nhìn thị phần dần rơi rụng, cuộc đua giảm giá thời gian qua giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.

2018 có giảm sâu?

Năm 2018, thuế TTĐB giảm còn 35% với xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, 40% với xe 1.5L đến 2.0; đặc biệt, thuế NK xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm còn 0%. Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, các cơ quan quản lý chức năng đang xem xét phương án giảm thuế NK bộ linh kiện (từ mức 15% hiện nay xuống 10%; 5% thậm chí có thể về 0%).

Với những thay đổi này thị trường đang có tâm lý chờ đợi một cơn lốc giảm giá vào thời điểm 2018 với mức giảm sâu hơn năm 2017. Tuy nhiên mới đây, chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng giám đốc Trường Hải cho biết, tính đến nay, giá xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã giảm rất nhiều so với trước. Có thể nói giá xe đã chạm tới đáy, không có điều kiện giảm hơn nữa. Với phát biểu này, có thể hiểu xe Mazda, Kia do Trường Hải sản xuất lắp ráp và NK từ nay tới cuối năm sẽ không còn chương trình giảm giá mạnh mẽ nữa.

Với xe NK, như đã phân tích mức giảm thuế chỉ làm giảm 5-7% giá bán nhưng các hãng đã phải “nghiến răng” giảm tới 10-15% nên thời gian tới, dù thuế NK giảm xuống 0%, thì ô tô NK còn phải chịu nhiều chi phí khác liên quan đến thuế, phí, chi phí vận chuyển, bán hàng… cùng với các rào cản kỹ thuật dự đoán là sẽ được dựng lên để “ngăn” xe NK từ khu vực ASEAN tràn vào… khiến giá xe nếu có giảm cũng sẽ không được nhiều.

Không những thế, còn nhiều yếu tố khác tác động tới giá xe, trong đó liên quan đến các chính sách thuế, phí, giá tính thuế, kiểm soát CO form D, điều kiện kinh doanh sản xuất, NK ô tô đang được các cơ quan quản lý bàn thảo. Bên cạnh đó xe bán tải, dòng xe đang được ưa chuộng và bán rất chạy hiện nay đang được các cơ quan chức năng xem xét lại thuế TTĐB, lệ phí trước bạ.

Tất các cả yếu tố đó khiến nhiều DN, khi được hỏi đến đều lắc đầu cho rằng, giá đã đến đáy, khó có thể giảm nhiều, giảm sâu vào năm 2018(?).

Nói là vậy, nhưng giảm giá nữa hay không, không phải do các hãng quyết định, mà do thị trường quyết định.

Bởi có một thực tế mà Bộ Công Thương đã thừa nhận là giá bán ô tô của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Mức giá trung bình cao hơn gần 2 lần so với mặt bằng chung ASEAN (Thái Lan và Indonesia). Bên cạnh nguyên nhân về thuế, phí, qui mô sản xuất nhỏ, chi phí sản xuất lớn… thì kinh doanh ô tô tại Việt Nam vẫn được cho là khá ngon ăn bởi “lợi nhuận” lớn.

Trong khi tâm lý chờ giá giảm nữa của khách hàng đang dần bộc lộ rõ khi mà tháng 4 lượng bán ô tô trên cả nước chỉ đạt 21.942 chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước (mức giảm mạnh nhất là xe du lịch, đạt 10.705 chiếc, giảm 36% so với tháng trước; xe chuyên dụng đạt 1.675 chiếc, giảm 6%).

Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng dẫn đến thị trường giảm mạnh đó chính là người tiêu dùng cảm thấy hoang mang trước các đợt giảm giá liên tiếp vừa qua, liệu giá có còn tiếp tục giảm và năm 2018 phải chăng sẽ còn đợt giảm sâu nữa. Tâm lý chờ đợi này nếu kéo dài sẽ đặt các hãng vào bài toán khó: Đó là giảm giá nữa để tiêu thụ sản phẩm hay chấp nhận thị trường “đóng băng”. Quan trọng hơn động thái của các “ông lớn” sẽ ra sao khi mà Trường Hải và Thành Công vẫn đang cần số lượng, TMV đang bị giảm thị phần, cuộc cạnh tranh giữa sản phẩm NK và lắp ráp đang diễn ra gay gắt…

Nhận định của một chuyên gia cho rằng để thị phần không rơi vào tay đối thủ các DN sản xuất ô tô sẽ tiếp tục buộc phải giảm giá để cạnh tranh với xe NK có lợi thế về thuế. Đã đến lúc các nhà sản xuất cần phải bớt đi lợi nhuận để tăng doanh số bán hàng.

Vậy nên 2018 giá ô tô sẽ còn giảm!

Người tiêu dùng cảm thấy hoang mang trước các đợt giảm giá liên tiếp vừa qua, liệu giá có còn tiếp tục giảm và năm 2018 phải chăng sẽ còn đợt giảm sâu nữa. Tâm lý chờ đợi này nếu kéo dài sẽ đặt các hãng vào bài toán khó: Đó là giảm giá nữa để tiêu thụ sản phẩm hay chấp nhận thị trường “đóng băng”?

Một chuyên gia cho rằng để thị phần không rơi vào tay đối thủ các DN sản xuất ô tô sẽ tiếp tục buộc phải giảm giá để cạnh tranh với xe NK có lợi thế về thuế. Đã đến lúc các nhà sản xuất cần phải bớt đi lợi nhuận để tăng doanh số bán hàng.

Theo Nguyễn Hà

Báo hải quan

Đọc tiếp »